Tuesday, June 18, 2019

Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa: Tuổi thơ tôi và tiếng hát Thanh Thúy - Thanh Bửu

Hồi đó, ở một cái xóm nhỏ trong Cư xá Đô Thành, có một cái xóm nhỏ đi ra đường Cao Thắng. Nơi đó tôi đã có những năm tháng tuổi thơ thật đẹp. Má tôi có một tiệm tạp hóa nhỏ mà thỉnh thoảng chị Thúy (tức ca sĩ Thanh Thúy) đã vào mua đồ. Thuở đó tôi còn quá nhỏ nên không có được cái may mắn để đứng bán đồ cho chị Thúy.
Bầu trời Sài Gòn ngày đó đẹp làm sao. Mỗi tối trên căn gác nhỏ, mấy chị tôi ngồi bên cái máy hát dĩa nhỏ xíu nghe những bài hát trong những dĩa nhạc 45 vòng. Năm đó tôi khoảng 8, 9 tuổi. Một đêm tối, tiếng hát chị làm lòng tôi khựng lại, chùng xuống. Trời ơi! Tiếng hát gì đặc biệt quá. Tiếng hát như một mê hồn trận làm lòng tôi xao động, và tiếng hát Thanh Thúy như một dòng suối chảy vào lòng tuổi thơ tôi từ đó.
Chị Thúy mến! Em rất cảm động khi đọc những dòng chữ của chị để biết rằng chị vẫn nhớ đến căn nhà xưa, con đường Cao Thắng, con hẻm nhỏ dẫn đến tiệm tạp hóa của má em.
Phải rồi! Chính nơi đây đã cho tôi những năm tháng tuổi thơ thật hồn nhiên, trong sáng. Một tuổi thơ Sài Gòn tuyệt đẹp để rồi mãi mãi không bao giờ tìm lại được.
Tuổi thơ tôi là những cánh diều bay lượn trên bầu trời Sài Gòn. Là mặc quần xà lỏn chạy rong ngoài đường phố. Là chơi năm mười, chơi tạt lon. Có những lần chơi đá banh ngoài đường phố bị cảnh sát rượt đuổi để tịch thu trái banh. Có những đêm đi bắt dế dọc con đường Cao Thắng. Trời ơi! Tuổi thơ Sài Gòn lúc đó sao mà đẹp quá, thanh bình quá, và con đường Cao Thắng cũng đẹp làm sao.
Chị hỏi em tiệm tạp hóa của má em giờ có còn không?
Sau 1975, mọi thứ đều thay đổi hết. Người Sài Gòn buồn lắm. Người Sài Gòn mất hết, mất đủ thứ hết, và mất luôn cả những giọng hát mà mình yêu thích. Cái máy hát dĩa của nhà em cũng bị hư, đành phải bán ve chai. Chính quyền mới cấm nhạc vàng. Họ cho nhạc vàng là nhạc đồi trụy, phản động, ủy mị.
Tuổi thơ Sài Gòn cũng tan nát thành trăm mảnh như những dĩa nhạc 45 vòng. Mực tím Sài Gòn cũng đổ vỡ như là:

Sớm mai em thức dậy
Em bước vào lớp học
Một chỗ ngồi trống vắng
Một đứa bạn chia xa

Sớm mai em thức dậy
Nhặt một chiếc lá khô
Trên con đường Cao Thắng
Nhặt một cánh phượng rơi

Trong sân trường xác xơ
Ép vào trang giấy trắng
Mai này em viễn xứ
Là mực tím trăm năm

(Thanh Bửu – mực tím Sài Gòn)

Sau 75, căn nhà của má em vừa là tiệm tạp hóa, cũng vừa là một trại chăn nuôi nhỏ. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng gia đình em cũng rời khỏi được Việt Nam vào tháng 4-1991. Bỏ lại sau lưng cái xóm nhỏ đầy ắp những kỷ niệm.
Ở bên này, có những đêm tối, tắt đèn ngồi một mình trong căn phòng nghe Thanh Thúy hát để nhớ thương về một thành phố Sài Gòn. Nhớ con đường Cao Thắng làm sao. Nhớ rạp hát Đại Đồng mà hồi nhỏ ba em thường dẫn em đi coi hát. Nhớ chùa Kỳ Viên Tự rồi lại nhớ cả rạp hát Văn Hoa. Như trong một bài hát của nhạc sĩ Trần Chí Phúc.

Anh yêu em nên yêu Sài Gòn,
Anh yêu em cám ơn thành phố….

Có ai đó đã một lần qua Florida. Đi trên những con đường ở Fort Lauderdale nhìn những hàng phượng vỹ để nhớ phượng vỹ Sài Gòn. Một chiều nào đó, bước chầm chậm trên những con phố dốc cao ở thành phố sương mù San Francisco rồi lại nhớ đến Đà Lạt dấu yêu, như là:

Con phố dốc cao chôn đời trai viễn xứ
Căn gác lưu đày đốt lạnh trái tim tôi
Có những đêm mưa về qua phố núi
Là hồn tôi rỉ máu những đêm mưa

(Thanh Bửu – San Francisco)

Cũng có nhiều đêm, chạy xe một mình trên Freeway. Bên ngoài đêm tối chập chùng. Nghe tiếng hát Thanh Thúy mà tưởng chừng như quanh đây có một trinh nữ áo trắng hiện ra, khi ẩn, khi hiện, khi mờ, khi ảo. Một tiếng hát như những cụm mây trắng trôi nổi trên bầu trời. Khi thật gần và cũng có lúc cũng thật xa… Có lúc như những sợi sương khói mỏng manh, bay lên chầm chậm thật nhẹ, rồi quyện vào nhau. Tựa chừng như những khói sương ôm lấy những dảy núi dọc xa lộ 280 đi về phố núi cao San Francisco.
Năm ngoái, về lại Việt Nam. Về lại con xóm nhỏ, ở lại mái nhà xưa.. Khi mở nhạc Thanh Thúy, mấy người hàng xóm chạy sang nói: “Mở lớn lên cho tôi nghe với.” Trời ơi! Thật hạnh phúc làm sao. Thế là mưa nửa đêm được mở lớn ra. Mưa nữa đêm đổ về Sài Gòn. Mưa nửa đêm đổ về cái xóm nhỏ. Rồi thì, Chiều cuối tuần, Một chuyến bay đêm, và đặc biệt là Nửa đêm ngoài phố, Đêm của Sài Gòn được sống lại.
Chị Thúy mến! Khi em viết lên những điều này để chúng ta thấy rằng dòng nhạc vàng là dòng nhạc bất diệt. Không một ai có thể hủy diệt được dòng nhạc vàng.
Giờ đây dòng nhạc vàng vẫn tuôn chảy trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam. Từ thành thị cho đến những thôn làng hẻo lánh. Trên cả những chuyến xe xuôi ngược khắp ba miền. Dòng nhạc thiêng liêng bất diệt của người Việt Nam.
Cám ơn tiếng hát Thanh Thúy đã mang vào lòng tuổi thơ tôi dòng nhạc vàng bất diệt, để tôi thấm thía được cái hay của nhạc vàng, và để thương cho đời lính chiến.
Xin cám ơn những đường phố Sài Gòn đã cho tôi một tuổi thơ thật đẹp để mãi mãi tôi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.
Tiếng hát Thanh Thúy vẫn mãi mãi ngự trị trong trái tim người Sài Gòn.
Tiếng hát Thanh Thúy vẫn luôn sống mãi trong lòng người Việt Nam.
Thương mến gửi đến chị Thúy bài viết này nhân mùa Giáng sinh dấu yêu.
Xin gửi đến các bạn tôi và những ai đó đã có một tuổi thơ Sài Gòn thật đẹp mà giờ đây đã là những cánh chim phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Thanh Bửu

Sunday, June 16, 2019

BÌNH THUẬN QUÊ HƯƠNG TÔI Bài Viết của Phạm Gia Đại

Kỷ Niệm Một Năm Hàng Trăm Ngàn Đồng Bào trong nước xuống đường biểu tình chống nhượng ba đặc khu cho Trung Cộng, và chống luật an ninh mạng của nhà nước cộng sản, xin gửi lại bài viết: "Bình Thuận Quê Hương Tôi" để ghi nhớ công ơn sâu dầy của tổ tiên giòng giống Lạc Hồng bốn nghìn năm bất khuất và oai hùng chống ngoại xâm phương Bắc.
BÌNH THUẬN QUÊ HƯƠNG TÔI
Bài Viết của Phạm Gia Đại - 6/15/18  
Đất nước Việt từ miền cực bắc là Ải Nam Quan đến vùng cực nam Mũi Cà Mau là một dải giang sơn gấm vóc thanh tú của tổ tiên giòng giống Lạc Hồng để lại cho con cháu. Mười tám đời Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ yên bờ cõi từ hơn 4 ngàn năm trước. Bao phen giặc phương bắc xua quân xuống toan thôn tính nước Đại Việt của chúng ta, thì bấy nhiêu phen sớm muộn gì chúng cũng cam tâm thất bại nhục nhã. Hình ảnh lẫm liệt của Hai Bà Trưng thúc voi ra trận đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, trả xong thù nhà nợ nước, năm 40 sau công nguyên còn đó. Bài thơ khẩu khí vang danh thiên cổ của danh tướng Lý Thường Kiệt thế kỷ thứ 11: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” như vẫn còn vang vọng đâu đây. Ba trận lừng lẫy chiến thắng quân Mông Cổ đời nhà Trần thế kỷ 13 và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với lời thề trên giòng sông của Ngài:” nếu ta không thắng quân giặc, thề không trở về giòng sông này” vẫn còn ghi trong sử sách. Thế kỷ 18, Đại Đế Quang Trung Nguyễn Huệ chuyển quân thần tốc ra Bắc Hà để bất ngờ mùng 5 Tết đánh tan quân nhà Thanh, vào giải phóng Thăng Long thành, khiến cho các tướng nhà Thanh không kịp mang đai chạy thục mạng về đến bên Tầu còn hồn phi phách tán cũng còn đó.
Ngày nay, tinh thần bất khuất, anh dũng chống quân thù phương bắc của người dân Việt đã thể hiện trong các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi từ Hà Nội đến Sàigòn, tại Phan Rí, Nha Trang, Bình Dương, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nghệ An, Hải Dương, Mỹ Tho, và trên khắp thế giới nơi nào có người Việt cư ngụ đã đồng loạt nổi dậy vào ngày 10 tháng 6 vừa qua để chống lại việc đảng cộng sản nhượng đất cho Tầu. Riêng tại Bình Thuận, theo RFA - Đài Á Châu Tự Do https://www.rfa.org/…/binh-thuan-violence-the-water-drop-06…
cuộc biểu tình vĩ đại này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và lan rộng khắp nơi, từ biểu tình trên mạng đến biểu tình trên đường phố. Cũng lần đầu tiên các đài phát thanh và truyền hình báo chi ngoại quốc như Reuters, BBC, VOA, RFI, RFA, v.v... đồng loạt đăng tin về biểu tình toàn quốc này của người dân Việt. Nguyên nhân khởi nguồn từ việc đảng cộng sản tại Hà Nội đang âm mưu đưa dự luật ra quốc hội bù nhìn của họ nhằm cho Tầu Cộng thuê ba vùng đất trọng yếu của VN là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Nha Trang) và Phú Quốc đã làm dấy lên một phong trào khởi nghĩa bùng dậy chưa từng thấy kể từ 43 năm qua, sau khi miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt. Hàng hàng lớp lớp người dân kể cả phụ nữ người già trẻ em đều đứng dậy, mang trên tay một rừng biểu ngữ phản đối cộng sản bán nước cho Tầu. Sự uất ức của người dân bị bần cùng hóa, mất trắng tay tài sản mồ hôi nước mắt của mình, mất nhà mất cửa, mất ruộng vườn ao cá, vào tay người cộng sản mang danh “cách mạng”, nhưng đã hiện nguyên hình là một đảng cướp khi họ vào tiếp thu Hà Nội năm 1954, hay sau khi họ chiếm được miền Nam năm 1975; sự uất ức ấy bị dồn nén quá lâu, nay cơn thịnh nộ của người dân bị áp bức đã như quả bom bùng nổ ngay tại các thành phố lớn trong nước và tại hải ngoại. Dù biết sẽ bị đàn áp, người dân vẫn xuống đường, đốt các xe của công an, cán bộ nhà nước “hèn với giặc và ác với dân”. Và người dân đã bị trấn áp dã man bởi các đòan xe chở công an, cảnh sát từ ngoài Hà Nội gửi vào Sàigòn, vào các tỉnh miền Nam. Đây là chiến thuật mà nhóm lãnh đạo ở Ba Đình đã học được từ quan thầy Tầu Cộng thực thi tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, khi các đoàn xe tăng được điều động từ miền xa với các binh lính gốc người thiểu số để họ dễ dàng tàn sát các sinh viên yêu nước biểu tình tay không tại Bắc Kinh. Điều nghịch lý là quan chức địa phương tại tỉnh Bình Thuận dự định sẽ đưa ra tòa xét xử các người tổ chức biểu tình chống nhượng đất cho Tầu ngày 10 tháng 6. Kẻ phạm tội đáng đưa ra tòa xét xử chính là các tên lãnh đạo tại Hà Nội đã nhượng đất đai biển cả của tổ tiên cho Tầu, đã bán nước cho Tầu, chứ không phải các người dân lương thiện yêu nước.
Trong lịch sử bốn ngàn năm, chưa bao giờ người dân vì yêu nước, vì chống lại bạo quyền, vì chống lại ngoại xâm, mà lại bị đàn áp và giết hại như hiện này ở Việt Nam. Lý do đơn giản là cộng sản đang đàn áp dân lành để làm vừa lòng đám lãnh đạo Bắc Kinh. Các nhóm Quyết Tử cho Tổ Quốc Trường Tồn đã xuất hiện, người dân dù là ít học như làng chài Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo nhà nước cộng sản đã mở cửa cho Tầu Cộng vào mở nhà máy nhiệt điện khai thác Titan làm ô nhiễm môi trường sống. Địa phương vốn đã thiếu nước sạch trầm trọng, nay nhà máy của Tầu công khai khai thác mạch nước ngầm cho các tiến trình chế tạo Titan của họ, rồi xả ra sông ngòi các vòi nước vàng đục nguy hại đến tính mạng người dân nếu uống phải nước thải này. Người dân Bình Thuận vốn đã quá cơ cực vì cuộc sống lầm than dưới sự cai trị tàn ác của cộng sản trong nước, nay lại khốn khổ vì nhà máy Titan này của Tầu. Bây giờ trước hành động toan tính bán nước, cho thuê ba vị trí chiến lược ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hàng vạn người đã đứng dậy biểu tình chống lại cái ác của đám cầm quyền và chấp nhận cái chết. Trong kế hoạch đàn áp người dân, điện và hệ thống mạng đã bị cắt để Bình Thuận không còn liên lạc được với bên ngoài, hàng trăm người đã bị bắt, và máu đã đổ - máu của những người dân trong nước và của người Việt hải ngoại trở về như cậu sinh viên William Nguyễn từ Texas và Singapore, nhưng người dân Bình Thuận cũng như trên toàn quốc nhất quyết không đầu hàng.
Từ Bình Thuận chiếu ra các tỉnh thành khác sẽ thấy nhan nhản khắp nơi, không chỉ là Formosa, hay bùn than quặng bô-xít ở Tây Nguyên, nhà máy Titan ở Bình Thuận, v.v..., mà đạo quân hàng trăm ngàn công nhân của Tầu (chính thức và nhập cư lậu) tại các nhà máy phục vụ cho kỹ nghệ của Bắc Kinh đã nhung nhúc trên đất Việt. Những Việt kiều về thăm quê hương cũng nhận thấy đi đâu cũng thấy Tầu, và những khu vực dành riêng cho Tầu.
Thử nhìn qua đặc khu kinh tế Sihanoukville bên Campuchia đã hoàn toàn thuộc Tầu, để thấy mai kia VN cũng không khác gì nếu không chống lại âm mưu nhượng đất này. Đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia được thành lập năm 2008 với diện tích khoảng 11 km vuông. Trong số 121 công ty đầu tư vào đây, 104 là của Tầu Cộng. 30 sòng bạc đã được xây dựng và 70 sóng bạc nữa đang và sẽ được xây thêm.
Theo tạp chí Sihanoukville, đặc khu kinh tế Sihanoukville là một trong những dự án trọng điểm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Cộng đưa ra. Sau 10 năm, đặc khu kinh tế Sihanoukville đã như một thành phố Tầu với các tiệm ăn, ngân hàng, công ty cho thuê nhà, các tiệm cầm đồ, các cửa hàng miễn thuế, các siêu thị và khách sạn đều treo biển tiếng Tầu. Nhiều cửa hàng của người Campuchia cũng treo biển tiếng Trung Hoa. Mặc dù thành phố này chỉ có 90.000 dân, nhưng trong 2 năm 2016 và 2017, số du khách Tầu tới đây đã tăng gấp đôi, lên 120.000 người vào năm 2017.
Việc cộng sản đưa dự luật về an ninh mạng cũng như đưa dự luật về cho thuê 99 năm ba vùng đất hiểm yếu của VN cho Tầu, qua quốc hội để biểu quyết, cũng chỉ để lừa bịp và che mắt thế giới bởi vì quốc hội của cộng sản cũng chỉ là một đám đảng viên, nghị gật, bù nhìn, không hơn không kém. Quốc Hội bù nhìn của đảng cộng sản trong nước đã thông qua luật về an ninh mạng, mục đích để ngăn chặn tiếng nói bất mãn của người dân, để ngăn chặn âm mưu hành động bán nước của họ bị chuyển đi khắp nước và ra ngoại quốc. Nếu đám cầm quyền trong nước thực hiện được việc cho Tầu thuê Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc thì tương lai không xa VN sẽ mất vào tay Tầu Cộng, và viễn ảnh thâm độc của Hiệp Ước Thành Đô đang thành hình để biến VN thành một tỉnh của Hoa Lục. Lúc đó người dân Việt sẽ bị siết dưới gọng kìm của đảng cộng sản Trung Quốc, hàng triệu người sẽ bị giết hại dưới chính sách diệt chủng đồng hóa của Bắc Kinh, và VN sẽ không khác gì Tây Tạng bây giờ.
Các cộng đồng người Việt trên thế giới đã xuống đường để đồng hành với người dân trong nước biểu tình chống lại âm mưu bán nước hại dân của đảng cộng sản tại Ba Đình, và đang tạo ra một “khí thế” chưa từng có. Nếu ở hải ngoại và trên năm châu bổn biển, cộng đồng người Việt lấy được sự hỗ trợ của chính quyền sở tại thì cuộc đấu tranh của người dân trong nước sẽ mạnh mẽ hơn và mang lại hiệu lực nhiều hơn, và nhà nước cộng sản sẽ phải dừng tay lại./. (Tin Tổng Hợp).
PGĐ

Chợ đêm Phước Lộc Thọ, điểm hẹn ăn vặt ở Little Saigon - Tâm An - Người Việt

Chợ đêm Phước Lộc Thọ 2019 bắt đầu vào Thứ Sáu, 14 Tháng Sáu, thu hút hàng trăm người từ khắp nơi. 
(Hình: Tâm An/Người Việt)
WESTMINSTER, California(NV) – Tối Thứ Sáu, 14 Tháng Sáu, chợ đêm Phước Lộc Thọ ở Little Saigon, thành phố Westminster, mở cửa, thu hút hàng trăm khách thập phương về dự, đông vui như trảy hội.
Từ 5 giờ chiều, khi ánh nắng Hè còn gay gắt, những quầy hàng được dựng lên thoăn thoắt. Chợ có năm dãy hàng, với khoảng ba chục gian hàng bán quần áo, đồ chơi trẻ em, cây kiểng, nữ trang và nhiều nhất là bán thức ăn.
Ẩm thực đường phố hương vị Việt
Để phục vụ các thực khách ăn một món ăn ngoài trời quả không đơn giản chút nào. Mỗi quầy hàng chỉ rộng chưa đầy 200 foot vuông (khoảng 20 mét vuông), nhưng có đến 7-8 người làm luôn tay luôn chân để kịp phục vụ đông đảo khách hàng. Họ phải hoàn tất hàng loạt việc không tên, từ khâu dựng bảng hiệu, lắp bóng đèn thắp sáng, đến khâu vận chuyển thực phẩm tươi sống, chuẩn bị bếp nướng BBQ…
Trong lúc đó, những nhân viên phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm đi kiểm tra một lượt các quầy bán thức ăn, trước khi đem ra chế biến để phục vụ khách hàng.
Hai chị em Na Phan (trái) và Hân Phan (phải) là sinh viên ở tiểu bang 
Minnesota, chọn Bolsa là điểm hẹn để gặp người bạn từ 
tiểu bang South Carolina cùng về. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Cũng như mọi năm, chợ đêm Phước Lộc Thọ có khoảng gần chục gian hàng bán đồ ăn với thực đơn vô cùng phong phú. Nơi đây hội tụ tất cả tinh hoa của ẩm thực đường phố mang đậm hương vị Việt.
Mỗi gian hàng có một thực đơn riêng, ngoài món thịt nướng và bánh tráng trộn, các món khác hầu như không trùng lặp. Chẳng hạn như gian hàng đầu tiên từ phía cổng vào chuyên bán bắp xào bơ, chè bưởi, bánh mì nướng muối ớt. Gian hàng kế bên thì bán hải sản nướng, trong đó có món mực nướng muối ớt tươi ngon trứ danh.
Có gian hàng ở góc chợ thì chuyên về các món miền Tây, từ bánh ống lá dứa, bắp nướng, chuối nếp nướng. Có gian hàng “đệ nhất bánh tráng” với gần chục món biến tấu từ bánh tráng, nào là bánh tráng nướng, bánh tráng cuộn sốt me, bánh tráng ngũ vị…
Một góc chợ khác, hai gian hàng thịt nướng, tỏa mùi thơm ngào ngạt, chỉ cần ngửi là muốn chảy nước miếng.
Năm nay có một gian hàng lần đầu tiên bán các món đường phố của Nhật Bản. Các món ăn chủ yếu làm từ hải sản và thịt gà, nhưng hương vị rất khác lạ, như món hào chiên giòn, cua biển chiên.
Ngoài ra còn có một gian hàng chuyên về món cajun, một loại ẩm thực dựa trên hỗn hợp nhiều gia vị có nguồn gốc từ người Acadian – những cư dân Canada gốc Pháp định cư tại vùng Louisiana, miền Nam nước Mỹ. Có gian hàng chuyên về món Thái, như xôi xoài, bạch tuộc nướng.
Nói về nước uống, không thể không nhắc tới nước mía tươi trên chiếc xe van đậu ở ngay lối vào chính của chợ. Ông chủ tên Hào, người Mỹ gốc Hoa, có vợ là người Việt, cho biết: “Chúng tôi làm công việc bán nước mía này được tám năm rồi. Nước mía bán rất chạy, các thực khách rất thích vì nước mía của chúng tôi là mía tươi hoàn toàn, giống mía này là giống mía Việt Nam được trồng từ thành phố Fresno, miền Trung California. Hơn nữa, chúng tôi luôn đổi mới công thức nước mía. Năm nay, chúng tôi có 12 loại nước mía khác nhau.”
Chợ đêm không chỉ là nơi thưởng thức các món ăn đường phố, 
mà còn là địa điểm giao lưu văn nghệ. (Hình: Tâm An/Người Việt)
“Đồ ăn rất ngon, đỡ nhớ Việt Nam”
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, một thực khách nước ngoài đang chờ mua nước mía, ông Doni Amari, cho biết: “Tôi từ Ai Cập sang Orange County công tác, biết tin ở đây có chợ đêm, tôi tới liền. Ở nước tôi cũng có cây mía, nhưng mía chỉ để làm đường trong nhà máy, chúng tôi chưa bao giờ biết đến một thứ nước mía tươi ngon như thế này. Tôi chọn loại nước mía vị sầu riêng. Mùi vị thật tuyệt.”
Là một người trong quân đội, ông có vẻ am hiểu về lịch sử hình thành cộng đồng người Việt tị nạn ở đây, ông nói: “Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam và tôi cũng ngưỡng mộ người Việt. Các bạn thật mạnh mẽ (so strong).”
Ở một quầy bán nước trái cây khác, ông Chris Flickinger, 62 tuổi, kỹ sư điện tử về hưu, cầm trên tay một ly sữa trái cây tươi. Mặc dù là người Mỹ trắng nhưng ông biết nói một số câu chào hỏi khá lưu loát bằng tiếng Việt.
“Nhà mẹ tôi trước đây ở vùng Westminster này. Vào năm 1975, khi tôi mới 18 tuổi, tôi đã chứng kiến những người Việt đầu tiên tới đây định cư và sau đó cộng đồng Việt ngày một đông vui như ngày hôm nay. Năm nào tôi cũng tới chợ đêm này, hằng tuần, để thưởng thức món ăn và không khí ở đây. Tôi thích ăn nhiều món ăn Việt, trong đó có phở, hủ tiếu, bún riêu, bánh canh. Tôi thích học tiếng Việt, thích hát nhạc Việt. Tôi cũng có một số bạn tốt là người Việt,” ông chia sẻ.
Nhân viên kiểm tra an toàn thực phẩm tại một gian hàng, 
trước khi được bán cho khách. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều người Việt cùng người thân, bè bạn thuộc các sắc dân khác tới để giới thiệu cho họ biết về văn hóa và ẩm thực Việt. Cô Anna Lê, cư dân Pomona, đi cùng bảy người bạn tới hội chợ, trong đó có người Nam Hàn, người gốc Phi, người Đan Mạch.
“Tôi chưa bao giờ thấy con mực nào bự như thế này, mực nướng muối ớt, chấm tương ớt Việt Nam, quả là rất tuyệt vời,” anh chàng người Đan Mạch, Danes Jensen thốt lên, sau khi ăn một mạch hết ba phần mực nướng.
Cô Anna Lê cho biết, đây là lần đầu tiên cô dẫn những người bạn khác màu da tới hội chợ. “Thấy họ khen nức nở đồ ăn thức uống ở đây, tôi cũng thấy tự hào lắm,” cô cười tươi nói.
Hai chị em Na Phan, 16 tuổi, và Hân Phan, 20 tuổi, từ Minnesota – một tiểu bang thuộc vùng Trung Tây Hoa Kỳ – tới Little Saigon du lịch, cho biết Hân đang là sinh viên ngành y tá, còn Na học trung học. Hân cho biết: “Nghe tin ở đây có hội chợ là tụi em tới liền. Không khí ở đây quá vui, đồ ăn rất ngon, làm cho em đỡ nhớ Việt Nam. Em mới về Việt Nam chơi vài tháng trước nên vẫn còn nhớ cảm giác khi ở đó.”
Đi cùng Na, Hân là cô gái nhỏ nhắn Ashley Huỳnh, bay từ South Carolina sang đây. “Em quen Ashley qua mạng, tụi em hẹn gặp nhau ở Bolsa. Em từ Minnesota bay xuống, còn bạn ấy bay từ South Carolina qua.”
Nhiều người đã quen chọn Bolsa, nhất là dịp có chợ đêm, làm điểm hẹn để gặp nhau, hội ngộ dù ở tiểu bang hay quốc gia khác. Dĩ nhiên, dân ở Little Saigon cũng háo hức đi chợ đêm như một thú vui.
Một người vô gia cư lặng lẽ kéo violin phía sau thương xá Phước Lộc Thọ, 
kiếm chút tiền lẻ sống qua ngày. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Có những người đi xe lăn, ra nhận chỗ xem ca nhạc từ lúc 5 giờ chiều. Có người đi làm nail, tới 9 giờ rưỡi đêm vẫn còn cố ra chợ để hưởng chút không khí Việt. Trong tiếng nhạc cất lên của ban nhạc Sun Flower, một số người cao niên sánh vai nhau ra nhảy vài điệu quen thuộc Rumba, Cha Cha Cha cùng tiếng vỗ tay náo nhiệt của người xem.
Thế nhưng, đối lập với cảnh náo nhiệt, đủ đầy đó, có một người đàn ông Mexico vô gia cư đứng kéo đàn violin lặng lẽ ở hành lang phía sau thương xá Phước Lộc Thọ, mong kiếm chút tiền lẻ sống qua ngày.
“Tôi không sống nổi ở Mexico, nên phải bỏ trốn sang đây. Tôi buộc phải sống thế này 15 năm qua, nhờ tấm lòng của những người Việt ở đây. Tôi thấy người Việt các bạn rất nhân hậu, không phán xét và đồng cảm cho hoàn cảnh của tôi. Giấc mơ Mỹ của tôi là được ở Mỹ, không bị đuổi về, chỉ vậy thôi. Dù sao vô gia cư ở đây, tôi vẫn sung sướng hơn ở Mexico vì tôi có tự do,” ông tâm sự.
Chợ đêm Phước Lộc Thọ diễn ra vào tối Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, và kết thúc vào ngày 1 Tháng Chín. (Tâm An)
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com

Thursday, June 6, 2019

Mộng Chiếu Xuân - Loan Châu

Mộng Chiều Xuân
Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ
Những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ
Mối tình đầu xuân ai thấu chăng?
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân
Ngây thơ giáng huyền đến trong mơ
Lòng anh bớt sầu
Mộng vàng phút tan theo gió chiều
Biết em về đâu
Hãy trả lời lòng anh mấy câu
Tình duyên với em trong kiếp nào
Xuân còn thắm tươi
Anh còn mong chờ
Ái ân kẻo tàn ngày mơ!

Video