Hồi đó, ở một cái xóm nhỏ
trong Cư xá Đô Thành, có một cái xóm nhỏ đi ra đường Cao Thắng. Nơi đó
tôi đã có những năm tháng tuổi thơ thật đẹp. Má tôi có một tiệm tạp hóa
nhỏ mà thỉnh thoảng chị Thúy (tức ca sĩ Thanh Thúy) đã
vào mua đồ. Thuở đó tôi còn quá nhỏ nên không có được cái may mắn để
đứng bán đồ cho chị Thúy.
Bầu
trời Sài Gòn ngày đó đẹp làm sao. Mỗi tối trên căn gác nhỏ, mấy chị tôi
ngồi bên cái máy hát dĩa nhỏ xíu nghe những bài hát trong những dĩa
nhạc 45 vòng. Năm đó tôi khoảng 8, 9 tuổi. Một đêm tối, tiếng hát chị
làm lòng
tôi khựng lại, chùng xuống. Trời ơi! Tiếng hát gì đặc biệt quá. Tiếng
hát như một mê hồn trận làm lòng tôi xao động, và tiếng hát Thanh Thúy
như một dòng suối chảy vào lòng tuổi thơ tôi từ đó.
Chị
Thúy mến! Em rất cảm động khi đọc những dòng chữ của chị để biết rằng
chị vẫn nhớ đến căn nhà xưa, con đường Cao Thắng, con hẻm nhỏ dẫn đến
tiệm tạp hóa của má em.
Phải
rồi! Chính nơi đây đã cho tôi những năm tháng tuổi thơ thật hồn nhiên,
trong sáng. Một tuổi thơ Sài Gòn tuyệt đẹp để rồi mãi mãi không bao giờ
tìm lại được.
Tuổi
thơ tôi là những cánh diều bay lượn trên bầu trời Sài Gòn. Là mặc quần
xà lỏn chạy rong ngoài đường phố. Là chơi năm mười, chơi tạt lon. Có
những lần chơi đá banh ngoài đường phố bị cảnh sát rượt đuổi để tịch thu
trái
banh. Có những đêm đi bắt dế dọc con đường Cao Thắng. Trời ơi! Tuổi thơ
Sài Gòn lúc đó sao mà đẹp quá, thanh bình quá, và con đường Cao Thắng
cũng đẹp làm sao.
Chị hỏi em tiệm tạp hóa của má em giờ có còn không?
Sau
1975, mọi thứ đều thay đổi hết. Người Sài Gòn buồn lắm. Người Sài Gòn
mất hết, mất đủ thứ hết, và mất luôn cả những giọng hát mà mình yêu
thích. Cái máy hát dĩa của nhà em cũng bị hư, đành phải bán ve chai.
Chính quyền
mới cấm nhạc vàng. Họ cho nhạc vàng là nhạc đồi trụy, phản động, ủy mị.
Tuổi thơ Sài Gòn cũng tan nát thành trăm mảnh như những dĩa nhạc 45 vòng. Mực tím Sài Gòn cũng đổ vỡ như là:
Sớm mai em thức dậy
Em bước vào lớp học
Một chỗ ngồi trống vắng
Một đứa bạn chia xa
Sớm mai em thức dậy
Nhặt một chiếc lá khô
Trên con đường Cao Thắng
Nhặt một cánh phượng rơi
Trong sân trường xác xơ
Ép vào trang giấy trắng
Mai này em viễn xứ
Là mực tím trăm năm
(Thanh Bửu – mực tím Sài Gòn)
Sau
75, căn nhà của má em vừa là tiệm tạp hóa, cũng vừa là một trại chăn
nuôi nhỏ. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng gia đình em cũng rời khỏi được
Việt Nam vào tháng 4-1991. Bỏ lại sau lưng cái xóm nhỏ đầy ắp những kỷ
niệm.
Ở
bên này, có những đêm tối, tắt đèn ngồi một mình trong căn phòng nghe
Thanh Thúy hát để nhớ thương về một thành phố Sài Gòn. Nhớ con đường Cao
Thắng làm sao. Nhớ rạp hát Đại Đồng mà hồi nhỏ ba em thường dẫn em đi
coi hát.
Nhớ chùa Kỳ Viên Tự rồi lại nhớ cả rạp hát Văn Hoa. Như trong một bài
hát của nhạc sĩ Trần Chí Phúc.
Anh yêu em nên yêu Sài Gòn,
Anh yêu em cám ơn thành phố….
Có
ai đó đã một lần qua Florida. Đi trên những con đường ở Fort Lauderdale
nhìn những hàng phượng vỹ để nhớ phượng vỹ Sài Gòn. Một chiều nào đó,
bước chầm chậm trên những con phố dốc cao ở thành phố sương mù San
Francisco rồi
lại nhớ đến Đà Lạt dấu yêu, như là:
Con phố dốc cao chôn đời trai viễn xứ
Căn gác lưu đày đốt lạnh trái tim tôi
Có những đêm mưa về qua phố núi
Là hồn tôi rỉ máu những đêm mưa
(Thanh Bửu – San Francisco)
Cũng
có nhiều đêm, chạy xe một mình trên Freeway. Bên ngoài đêm tối chập
chùng. Nghe tiếng hát Thanh Thúy mà tưởng chừng như quanh đây có một
trinh nữ áo trắng hiện ra, khi ẩn, khi hiện, khi mờ, khi ảo. Một tiếng
hát như những
cụm mây trắng trôi nổi trên bầu trời. Khi thật gần và cũng có lúc cũng
thật xa… Có lúc như những sợi sương khói mỏng manh, bay lên chầm chậm
thật nhẹ, rồi quyện vào nhau. Tựa chừng như những khói sương ôm lấy
những dảy núi dọc xa lộ 280 đi về phố núi cao San
Francisco.
Năm
ngoái, về lại Việt Nam. Về lại con xóm nhỏ, ở lại mái nhà xưa.. Khi mở
nhạc Thanh Thúy, mấy người hàng xóm chạy sang nói: “Mở lớn lên cho tôi
nghe với.” Trời ơi! Thật hạnh phúc làm sao. Thế là mưa nửa đêm được mở
lớn ra.
Mưa nữa đêm đổ về Sài Gòn. Mưa nửa đêm đổ về cái xóm nhỏ. Rồi thì, Chiều cuối tuần, Một chuyến bay đêm, và đặc biệt là
Nửa đêm ngoài phố, Đêm của Sài Gòn được sống lại.
Chị
Thúy mến! Khi em viết lên những điều này để chúng ta thấy rằng dòng
nhạc vàng là dòng nhạc bất diệt. Không một ai có thể hủy diệt được dòng
nhạc vàng.
Giờ
đây dòng nhạc vàng vẫn tuôn chảy trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam. Từ
thành thị cho đến những thôn làng hẻo lánh. Trên cả những chuyến xe xuôi
ngược khắp ba miền. Dòng nhạc thiêng liêng bất diệt của người Việt Nam.
Cám
ơn tiếng hát Thanh Thúy đã mang vào lòng tuổi thơ tôi dòng nhạc vàng
bất diệt, để tôi thấm thía được cái hay của nhạc vàng, và để thương cho
đời lính chiến.
Xin cám ơn những đường phố Sài Gòn đã cho tôi một tuổi thơ thật đẹp để mãi mãi tôi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.
Tiếng hát Thanh Thúy vẫn mãi mãi ngự trị trong trái tim người Sài Gòn.
Tiếng hát Thanh Thúy vẫn luôn sống mãi trong lòng người Việt Nam.
Thương mến gửi đến chị Thúy bài viết này nhân mùa Giáng sinh dấu yêu.
Xin
gửi đến các bạn tôi và những ai đó đã có một tuổi thơ Sài Gòn thật đẹp
mà giờ đây đã là những cánh chim phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Thanh Bửu
No comments:
Post a Comment