Tuesday, August 20, 2019

LƯƠNG TÂM VÔ GIÁ

Chuyện "LƯƠNG TÂM VÔ GIÁ" tác-giả VÔ-DANH, mà Anh gửi, hay lắm ! 
Vì cảm-động, tôi sẽ chuyển-tiếp nhiều người...
Nhơn-dịp kể luôn 1 chuyện có thực, Tác-giả việc này tôi biết,nh ưng ko cần nêu Tên, cũng chẳng cần nói Người này đang ở đâu, để làm-chi ? 
Vì "LƯƠNG TÂM" là Vô-Giá, Vô-Danh, "Vô-Tổ-Quốc",
Nó là Vấn-đề của mọi Xã-hội, của mỗi một con-người trong chúng-ta, 
Nó có-thể xảy-ra mọi-ngày, ở mọi-nơi, mọi Đất-nước, mọi Thời-đại.
Vấn-đề đối-mặt lớn-nhất của "LƯƠNG TÂM",
Bản-chất đích-thực nhất của "LƯƠNG TÂM", chính là:
Khi ta Hành-động, Ứng-xử, Tạo Nghiệp.. mà:
Không hề có ai biết, chỉ "mình ta với ta" biết mà-thôi!
Nghĩa là, tuyệt-đối "ko được, ko bị" nhận bất-cứ 1 Lời Khen-Chê nào hết ! 
Là Phật-tử, tôi tin-tưởng Luật Nhân-Quả:
Lời Khen-Chê ko hề quan-trọng, mà "Tạo Nghiệp thế-nào" thì sẽ nhận "Báo-Ứng như-vậy"!
Chính-xác như định-luật Khoa-học : "Action and Reaction" !
(Khoa-học ko có, ko cần "Giáo-chủ", "Nhân-Quả" cũng y-chang như-rứa mà-thôi)
Và tôi vô-cùng cảm-phục 1 Ý-tưởng trong Thiên-Chúa-Giáo (ko nhớ đã nghe đâu-đó, trong 1 dịp nào-đó)
"Luôn-luôn có Qủy-Thần 2 Vai Chứng-giám" 
Chao ôi ! Quá hay ! Quá đúng ! 
Nghĩa-là, Đừng tưởng mọi hành-động "âm-thầm, kín-đáo, lét-lút" của mình ko ai hay, mà ko có sự "Trả-giá, Thưởng-phạt phân-minh"
"Qủy-Thần" đây, phải chăng là "Luật Nhơn-Quả" ?
Hay "Luật Nhơn-Quả" được "Nhân-cách hóa" thành "Qủy-Thần" ?
Dù có Tin theo "kiểu nào, cách nào, thế-nào": thì cũng tránh được Ác Nghiệp !
(Dù ko ai "Thấy" cũng ko dám.. "Làm bậy", "Làm láo", "Chơi ẩu", "Chơi càn" !)
Và đây là chuyện rất thật, rất đơn-giản, mà tôi biết, xin kể:

Anh C. lái-xe vào 1 cửa-hàng nhỏ ven-đường, mua chút đồ linh-tinh,
nhận tiền thối-lại xong, C chạy vào Cao-tốc...
Chỉ lát sau, C nhận-ra Cô nhân-viên đã trả-lại dư tiền cho Anh !
Trên Cao-tốc rồi, quay-lại ko dễ-dàng !
Vợ Anh xúi : "Thôi bỏ-qua đi Anh, mất-công quá !"
C rất phân-vân.. rồi vì "Lương-Tâm cắn-rứt", Anh quyết-định quay-lại trả-tiền Thối dư cho Cô nhân-viên. Anh nói với Vợ :
- "Ko phải chỉ vấn-đề tiền mà-thôi, Em àh, Cô này chắc mới vô làm ? Thiếu tiền phải đền đã đành, mà còn "Có lỗi" nữa, nhỡ bị Chủ chê, Chủ đuổi, thì tội-nghiệp người-ta" ! 
Cuối-cùng C đã hoàn-lại Cô nhân-viên số-tiền ko phải của Anh
Lương-Tâm Anh nhẹ-nhàng hân-hoan thơ-thới..
Cô-gái trẻ (thì đã biết ngay sự sơ-xuất của mình) cảm-động lí-nhí ko nên-lời...
Anh C là người có-thật, hiện vẫn còn sống "Cõi-đời" này..
nct

Chúng-ta, có ai đã từng "được" thối tiền dư chưa ?
Nhớ-lại và tự biết với Lương-Tâm chính mình thôi nhé!
Chớ kể, kẻo bị người-ta "ko tin" hoặc "chê cười"!
Ở trên có nói, "Lương-Tâm là Vấn-đề của Xã-hội" :
1 Xã-hội mà quá ít Người "Có Lương-Tâm" thì thật là Bất-an và Nguy-hiểm !
------------------------------------------------------------------------------
From: Hoang Pham
Sent: Tuesday, August 20, 2019, 05:55:08 PM

LƯƠNG TÂM VÔ GIÁ
H lái xe chở hàng hoá, hôm nay xe đang bon bon chạy thì bị hỏng. 
H vác hai hòn đá to chặn bánh xe và chui vào gầm để sửa.
Khi sửa xong, xe chuẩn bị đi tiếp thì một ông lão chạy đến nói : 
"Này anh lái xe, anh đã đánh rơi đồ kìa !" 
Vừa nói, ông vừa chỉ về phía sau xe 
H nghĩ ông nhắc đến hai hòn đá anh đã bỏ lại.
Anh cười nói, "Tôi quên mất", rồi cố ý nhấn ga phóng đi.
Ông lão đuổi theo quát to: 
"Anh làm người thế à ? làm người phải có lương tâm chứ ! Anh bỏ lại hai hòn đó trên đường như vậy à ?"

Những lời trách cứ của ông lão bị bỏ lại cùng đám khói phía sau xe.
H cười thầm trong bụng : 
"Lương tâm giá bao nhiêu một cân ?"
"Lương tâm sao bằng Lương thực ?"

Chạy được một trăm cây số thì gặp một trạm kiểm tra của Cảnh sát, H tìm giấy tờ để xuất trình nhưng tìm mãi không thấy, nghĩ lại thì chỉ có thể đánh rơi lúc sửa xe. 
Anh đành để xe ở trạm kiểm tra rồi quay lại tìm.

Đến nơi, H thấy hai hòn đá anh bỏ lại đã được khuân sang vệ đường trên đó có dán mảnh giấy với dòng chữ xiêu vẹo :
"muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá nầy lên trên đồi".
H kêu to lên : "Đừng bắt ép người ta như thế ! cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi".

Khi vác hòn đá đến chân đồi, H thấy một cái mũ trên đó có kẹp một tờ giấy viết : 
"Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi". 
Cứ như thế, theo sự chỉ dẩn trên giấy tờ, H vác hòn đá qua mấy quả đồi liền, mệt tưởng chết. 
Cuối cùng H mới thấy cái ví của mình đặt trên một nấm mộ trơ trọi. 
Giấy tờ, tiền bạc trong đó, đầy đủ cả, không thiếu một xu.
Dưới cái ví tiền, còn một tờ giấy viết : 
"Cái ví nầy là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ cũ. Anh có biết vì sao tôi lại bắt anh vác hòn đá nầy đến trước phần mộ nầy không ?
Đây là mộ của con trai tôi, một đêm hai năm trước, nó đi xe máy về nhà, vì vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có Lương tâm, đã bỏ trên đường nên nó đã bị ngã xe máy mà chết !
Tôi đưa anh đến tận mộ con trai tôi, là mong anh hiểu rõ một đạo lý : 
Lương tâm là vô giá. Làm người có thể mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất Lương tâm !

Tuesday, August 13, 2019

Gánh Mẹ - Quách Beem - Bông Hồng Cài Áo - TNH

Lời bài hát - Gánh Mẹ 

Cho con gánh me một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời.....
Ngày xưa mẹ gánh à ơi!
Con xin gánh lại những lời mẹ ru.
Đường đời sương gió mịt mù,
Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan.....
Để con gánh mẹ đừng can,
Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai?
Cho con gánh cả tháng dài,
Gánh qua năm ròng những ngày đắng cay.
.................................................................
Cho con....gánh cả đôi vai,
Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy.
Mẹ già lá sắp xa cây!
Lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao?
.....................................................
Mẹ ơi.....sóng biển dạt dào,
Con sao gánh hết công lao một đời.
Bông hông cài áo đúng nơi,
Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la.
Cho con gánh lại mẹ già,
Để sau người gánh chính là con con.................


Chúng ta đang trải qua những ngày giữa tháng 7 âm lịch, tức là quãng thời gian của mùa Vu Lan báo hiếu. Nhân dịp này  [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bản ‘Bông hồng cài áo’.  Cảm tác từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã cho ra đời một giai điệu rất đẹp trên những ca từ mượt mà như những vần thơ. Có thể nói ‘Bông hồng cài áo’ là bản nhạc nổi tiếng thứ nhì sau ‘Lòng mẹ’ của Y Vân trong số những bài hát về tình mẫu tử.



ĐOẢN VĂN ‘BÔNG HỒNG CÀI ÁO’ CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
(Nguồn: gdptquangducsaigon.org)
Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ
Medford, tháng tám 1962.

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :
Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.


Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối Ba Hương  
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng : “con mà thương mẹ thì phải làm thế nào ?” Tôi trả lời : “vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” Bây giờ thì tôi biết rằng : “con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!”
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẻ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : “mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác.” Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : “thôi con không lấy chồng nữa.” Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh : mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng : để anh sung sướng , thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằ
ng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
TNH

Saturday, August 10, 2019

Hình chụp qua IPHONE - Credit to Anh Hùng PBC69 / Chụp bằng Iphon X, hình tự nhiên, không chỉnh sửa bằng photoshop hay đặt background màu đen phía sau. Hình chụp hoa tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời.






CHẮC MÁ TAO MỪNG LẮM... Võ Đại Tôn (Indonesia-Singapore).

Chiều trên đảo Galang. Nắng chưa tắt và hơi gió biển từ xa thổi vào lành lạnh, dường như có mùi muối mặn. Chúng tôi trong phái đoàn Văn Khố Thuyền Nhân, mỗi người mang một tâm trạng riêng nhưng cùng chung một tâm nguyện, âm thầm thắp nhang cắm trên các mộ bia hoang tàn. Nhiều mộ bia đã bị đập phá, gạch đá nằm lăn lóc, cỏ cháy vàng khô. Nhiều tấm bia đã phai mờ chữ khắc, nhiều tấm bia không có năm sinh, chỉ ghi ngày chết. Tất cả, tất cả đều im lặng, hoang vu, ngậm ngùi. Trên bục đá cao còn sót lại một cột cổng bằng xi-măng vào nghĩa trang, màu sơn trắng đã thành rong rêu loang lổ, ai đã sơn thêm ba sọc màu đen từ trên xuống dưới, thành lá cờ tang của Tổ Quốc, bơ vơ nơi xứ người. Trông thật ảm đạm, đìu hiu, tôi nghĩ đến những dòng nước mắt màu đen của Dân Tộc hôm qua và hôm nay. Tôi cúi đầu khấn nguyện, cắm nhang trên những nấm mộ vô danh, và tôi đang khóc trong lòng. Vì tuổi già leo dốc cao, và vì quá xúc động trước cảnh tượng điêu tàn hoang sơ này, tôi chợt cảm thấy mình ngộp thở, vội trao lại bó nhang đang bùng khói cho người bạn đồng hành trong đoàn, từ Mỹ qua. “Anh cắm nhang tiếp giùm tôi đi, tôi chóng mặt quá!”. Tôi đến ngồi bên cạnh một mộ bia đã bị đập vụn, nghĩ về thảm trạng của cả một trời quê hương, bên kia bờ biển Đông, và nghĩ đến những người đã chết bên này đại dương.
Dưới chân nghĩa trang, dọc theo con đường mòn, có một khu rừng. Một tấm bảng chỉ đường ghi bằng tiếng Anh : “Body Tree”. Trong lùm cây, có một cây đa già buông nhánh và rễ xuống tận đất. Có người nói đấy là cây bồ đề, và bảng chỉ đường “Body Tree” có nghĩa là khu cây bồ đề. Nhưng sự thật không phải như vậy. Dưới gốc cây có dựng ba kệ bàn thờ nhỏ có mái che như cái “trang” bằng gỗ sơn màu đỏ. Thuyền nhân trên đảo trước đây và dân làng địa phương gọi là “Miếu Ba Cô”. Vài anh em trong phái đoàn, đã từng sống trên đảo này, kể lại cho tôi nghe là có ba cô gái trên đường vượt biển đã bị hải tặc hãm hiếp, khi đến được trại tỵ nạn trên đảo đã quá tủi nhục và uất hận, ra treo cổ tự tử trên cành cây đa vào ban đêm. Trong ba người, có hai chị em ruột tuổi còn nhỏ. Đồng bào tỵ nạn trên đảo đã lập miếu thờ và dân làng địa phương cho đến nay vẫn còn gìn giữ nơi này, tin tưởng là chốn linh thiêng. Tôi nghĩ đến tấm bảng chỉ đường “Body Tree”, có lẽ là nơi “Cây treo xác người” chứ không có nghĩa là cây bồ đề. Tôi lặng người, đứng nhìn khu miếu hoang vu này, ngậm ngùi nghĩ đến thân phận của những người con gái Việt Nam, vào lứa tuổi con-em của tôi, đã theo gia đình vượt biển tìm Tự Do, để rồi phải chết trong cảnh oan khiên. Hương lạnh hoang tàn, cô đơn nghiệt ngã. Không biết thân nhân của những người con gái đau thương này, đã được định cư tại một nơi nào đó trên thế giới tự do, có bao giờ trở lại để thắp một nén nhang cầu nguyện ? Anh em trong Văn Khố Thuyền Nhân có ghi lại chi tiết về những cái chết tận cùng khổ nhục này của các cô gái Việt Nam, nhưng tôi chỉ viết lại cảm xúc của riêng tôi vể cảnh tượng. Tôi lại nhìn ra biển khơi và thấy hiện ra căn nhà nghỉ mát đồ sộ nguy nga của con gái tên thủ tướng việt cộng Nguyễn Tấn Dũng trên bờ biển Nha Trang mà tôi đã thấy hình đăng trên báo chí hải ngoại mới đây. Căn nhà nghỉ mát của “con gái siêu đại gia tư bản đỏ” này, ở Nha Trang,  và cái ‘Miếu ba Cô” hoang vu trên đảo Galang chiều nay, là nghịch cảnh có thực trong cõi đời này. Nghịch cảnh giữa những người con gái Việt Nam, đang sống và đã chết bên bờ biển Đông, trong hàng triệu nghịch cảnh giữa lòng Dân Tộc. Những người nào còn chút lương tâm, luôn cả nhân loại nếu còn lương tri, sẽ tự tìm ra câu trả lời vì sao ? Trong thời đại này, theo thời gian và theo vị kỷ của con người, có lẽ hai chữ “lương tâm” đang nằm im trên trang giấy trong tự điển.
Ngồi trên xe rời xa đảo trên đường về lại thị trấn quận hạt Batam, tôi nghĩ thêm được những câu kết trong bài trường thi “Hồn Ca Trên Biển Đông” mà tôi đang “viết” trong đầu về linh hồn những người đã chết với những nấm mô điêu tàn :
Hồn mãi còn đây, dù bia mộ hoang vu
Không tên tuổi – sá gì tên với tuổi !
Dù xác thân đã hòa chung cát bụi
Biển Đông còn - Hồn mãi sống thiên thu !
Năm 2005, Hà Nội đã làm áp lực với các chính phủ Mã Lai và Nam Dương để đập phá các tấm bia tưởng niệm Thuyền Nhân đã chết trên biển Đông, và bây giờ, năm 2009, khi chúng tôi đến đây, Hà Nội vẫn tiếp tục yêu cầu chính quyền Nam Dương đóng cửa các khu di tích, xóa bỏ tất cả dấu vết Thuyền Nhân trên các đảo ! Bạo lực và hận thù của một chế độ từ bên kia bờ đại dương đang vói tay qua sóng nước trùng khơi để hủy bỏ chứng tích tội ác của họ, trên những ngọn đồi xứ lạ, nghĩ rằng rồi đây nhân loại sẽ không còn thấy những di tích tang thương này của Dân Tộc Việt Nam. Rồi đây, những bia mộ hoang tàn còn sót lại này, rồi đây “Miếu Ba Cô” tịch liêu này, có còn không ? Tôi nhìn lên trời cao, gió chiều thổi đám mây trắng bay về cõi mênh mông vô định. Lòng tôi đang quấn khăn tang như màu mây trắng. Tôi nghĩ đến thân phận Dân Tộc của tôi, vong linh những thuyền nhân đã chết, và hình ảnh các cô gái Việt Nam treo cổ trên cành cây đa nơi xứ người ! Một trang sử màu đen loang lổ những vệt máu khô.
Chiều nơi khu Geylang. Sau những ngày làm việc tại Indonesia, chúng tôi đi phà từ đảo Pinang về lại Singapore để chờ máy bay “hồi hương” ! Không phải bị “cưỡng bức hồi hương” như một số thuyền nhân trên các đảo trước đây. Vì anh em chúng tôi trong phái đoàn phải tự túc mọi chi phí, và đây không phải là chuyến đi du lịch vui chơi, cho nên chúng tôi phải tìm nhà trọ tại một khu xa thành phố để tiết kiệm tối đa. Khu Geylang hổn tạp, xô bồ, đa số là dân lao động tứ xứ với đủ sắc dân, Tàu, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, luôn cả du khách ba-lô từ các nước phương Tây dồn về. Ban ngày dường như ai cũng ngái ngủ, quán xá phần đông đóng cửa, nhưng từ 3-4 giờ chiều cho đến sáng hôm sau thì tấp nập dòng người chen chân qua các khu phố. Bàn ghế ăn uống nhậu nhẹt đặt sát lề đường, không còn một chỗ ngồi. Các quán ăn rộn rịp, om sòm đủ mọi thứ tiếng. Xe cộ dập dìu, mạnh ai nấy băng qua đường, xe phải tránh người. Từ nhà trọ, tôi lang thang bách bộ đi qua các con hẻm để quan sát cảnh sống ban đêm nơi xứ người. Tại nhiều góc hẻm, dân chúng tụ tập quanh các bàn cờ bạc đủ loại, tài xiu, sóc dĩa, quay số... không thấy bóng một cảnh sát viên nào. Ở đâu tôi cũng thấy các cô gái phấn son, ăn mặc hở hang khiêu gợi nhưng có vẻ nghèo nàn. Toàn là gái trẻ, có nhiều cô chỉ vào lứa tuổi 14-15. Có cô đứng ngay bên lề đường để đón khách, có cô thì ngại ngùng nép mình bên vach tường phố, đưa tay nhẹ vẫy, với nụ cười chập chờn qua ánh đèn màu lòe loẹt. Mỗi lần tôi đi ngang các cô gái này, cô nào cũng bập bẹ nói tiếng Anh “You go – Me good !”. Linh cảm cho tôi biết đa số là những cô gái Việt Nam. Lòng tôi se thắt lại. Đây là khu ăn chơi bình dân, giang hồ tứ chiếng, và tôi chợt nhìn thấy nhiều thanh niên bụi đời đang đứng trong bóng tối rình rập, canh chừng các cô gái. Ma-cô đầu gấu. Thỉnh thoảng các cô lại đến thì thầm gì đó, móc túi đưa tiền cho các gã, hoặc đi theo khách vào các nhà trọ trong khu vực. Tại nơi chúng tôi tạm trú, tôi thấy có tấm bảng ghi $10 đô la Singapore 1 giờ thuê phòng. Các cô gái trẻ đi với khách đủ loại và mất hút vào cầu thang, có cô thản nhiên, có cô rụt rè. Đi qua chỗ mấy sạp bán trái cây, đặc biệt là sầu riêng thơm lừng, trước cửa một khu “disco” đèn chớp sáng, tôi thấy các cô gái ăn mặc rất khêu gợi và tôi cũng được mời “You go – Me good”. Tôi lắc đầu bước đi và thoáng nghe sau lưng mấy cô nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.
Bước vào một tiệm đổi và chuyển tiền để đổi một ít tiền Singapore (thường được gọi là đô la Sin) để đi ăn tối, tôi thấy hai cô gái đang đứng trước quày. Tôi sắp hàng đứng sau lưng. Hai cô cũng mặc quần ngắn, áo mỏng manh, tuổi nhỏ khoảng 16-17, son môi đỏ chói. Chợt tôi nghe một trong hai cô, sau khi chuyển xong tiền, buộc miệng nói tiếng Việt : “Kỳ này tao gửi về được 50 đô. Chắc má tao mừng lắm !”. Cô kia thở dài : “Tao chưa gom đủ tiền, cuối tháng mới gửi được về nhà”.Rồi cả hai bước ra cửa. Tôi vội đổi một ít tiền, chạy theo hai cô gái, vào một quán ăn bên đường. Tôi đến đứng bên cạnh bàn hai cô đang ngồi, định bắt chuyện thì một trong hai cô đã hỏi ngay : “You go – Me good” ! – Tôi ngồi xuống bàn và nói nhỏ : “Tôi là người Việt mà. Mời hai cô ăn uống gì với tôi cho vui”. Cả hai cô đều nhìn tôi ngạc nhiên rồi hỏi nhỏ, bằng tiếng Việt : “Bác ở đây hay là người nước ngoài tới chơi ? Bác “đi” không ? “Đi” một đứa hay cả hai cũng được, “xâu” luôn nha !”. Tôi mĩm cười : “Hai cô ăn uống gì không, tôi mời đó. Tôi ở xa mới tới đây, ngày mai đi rồi”. Tôi gọi ba tô mì và nước dừa tươi. Sau một vài phút thì thầm gợi chuyện, có lẽ thấy tôi là một “ông già” không có tình ý gì xấu, hai cô bắt đầu cởi mở hơn, gọi tôi bằng ông và tự xưng là cháu, và vừa nói chuyện vừa nhìn quanh. Thông thường, các cô gái làm nghề này lâu năm thì trường đời đã dạy thêm chua ngoa, lừa lọc, phịa chuyện đau thương để làm động lòng khách, nhưng riêng với hai cô gái này, tôi nhận thấy vẫn còn chất đồng quê chân thật. Hơn nữa, tôi chỉ gợi chuyện hỏi về những điều không đi sâu vào đời sống riêng tư và đường dây chuyển người. Tôi được biết : - Hai cô gái này đều 18 tuổi, quê ở Vĩnh Long, sang đây được gần một tháng nay. Cuối tháng sẽ đi phà qua quận Batam ở Nam Dương rồi về lại Singapore, ở thêm mỗi lần như vậy được một tháng như là khách du lịch, nhưng chỉ tối đa được ba lần mà thôi. Tôi được biết thêm là tại khu vực này đa số đều là gái từ miền Nam qua, gọi là đi du lịch hoặc xin học nghề, có người bảo lãnh lo mọi thủ tục. Có luôn cả người đi theo canh chừng. Các cô lén chỉ cho tôi mấy gã thanh niên đang ngồi ăn ở góc quán. Không được ngồi chơi với khách, phải dẫn khách đi ngay vào nhà trọ thuê phòng, hoặc qua giờ hoặc qua đêm. Nếu ngồi nói chuyện lâu thì phải trả tiền như là “bao trọn”, với sự đồng ý của mấy gã “đầu gấu”, cũng toàn là người Việt, hoặc là phải “báo cáo” với má-mì. Phần đông các cô đều là gái miền quê, muốn đi tìm chồng ở Singapore hoặc được cam kết cho đi học nghề, nhưng thực ra là qua đây bị ép buộc phải “đi khách”. Trước khi đi phải đóng tiền thế chân khoảng 2.000 mỹ kim cho môi giới, và mỗi tháng phải đóng tại đây 700 tiền đô la Sin. Còn lại bao nhiêu thì được tiêu xài hoặc gửi về gia đình. Trung bình mỗi cô “làm” được khoảng 1000 đô Sin mỗi tháng nếu đắt khách, nhưng những cô lớn tuổi, từ 25 trở lên đều bị chê là già, không ai gọi đi. Càng trẻ càng có giá, tôi được biết thêm là có nhiều cô chỉ mới 15 tuổi cũng đi “học nghề” và được khách ở Singapore ưa chuộng “tuổi trẻ” lắm. Ở Singapore có một khu riêng chỉ toàn gái dưới 15 tuổi, cũng từ Việt Nam qua. Tôi im lặng ngồi nghe, rợn người, thỉnh thoảng gợi thêm chuyện để tìm hiểu. Các cô được đưa qua đây, 10 cô ở chung một phòng, ăn uống tự túc, ban ngày ngủ, ban đêm ra phố “làm việc”, có đầu gấu đi theo để thu tiền và bảo vệ. Gia đình ở quê nhà chỉ biết lo chạy tiền, vay nợ, để gửi con gái mình đi học nghề ở nước ngoài. Đang ngồi nói chuyện, có má-mì cũng người Việt đến bàn hỏi hai cô là tôi có “đi” không ? Tôi vội trả lời thay, là tôi chỉ ngồi ăn uống cho vui thôi. Má-mì giục hai cô ra xe taxi chờ sẵn vì có khách bao đi đêm, tôi phải trả 10 đô Sin cho buổi nói chuyện ngắn ngủi này, coi như là tiền “tiếp khách chay”.  Hai cô chào tôi rồi chạy ra xe, taxi lách qua dòng người mất hút vào đám đông.
Tôi thẩn thờ quay về nhà trọ, đi giữa đám đông xa lạ, chợt thấy mình lạc lõng bơ vơ. Tôi nghe nói là Singapore gần đây đã nới lỏng việc phục vụ khách du lịch về mọi phương diện, kể cả mại dâm trá hình, để tăng trưởng kinh tế và nhất là để đáp ứng nhu cầu cho dân số nam nhiều hơn nữ. Riêng về ma túy thì kiểm soát rất gắt gao, vẫn còn thực thi án tử hình. Ở Singapore hiện nay, tìm được một người vợ vừa ý và làm đám cưới là một điều ảo tưởng, đa số đàn ông không thể thực hiện được. Các cô gái Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu đó, qua nhiều đường dây môi giới. Lịch sử Dân Tộc chúng ta trước đây chưa bao giờ xảy ra hiện tượng buôn người ra nước ngoài như hiện nay.  
Tôi bước đi giữa dòng người nơi xứ lạ, tại một khu vực nghèo nàn, hổn tạp, mà lòng tôi xốn xang. Thương nước, thương cho các thế hệ tuổi trẻ cùng chung dòng máu phải tìm mọi cách qua xứ người để bán thân nuôi mình và gia đình, và luôn cả thương mình đang lưu vong. Hình ảnh căn nhà nghỉ mát nguy nga của cô con gái thủ tướng việt cộng tai bờ biển Nha Trang, hình ảnh “Miếu Ba Cô” trên đảo Galang, hình ảnh chiếc xe taxi chở hai cô gái Vĩnh Long bằng tuổi con-cháu tôi chạy vù trong bóng đêm tai khu Geylang, đi về đâu và sẽ bị dày vò trong vòng tay ai... đang âm thầm bước theo tôi, sẽ đồng hành cho đến cuối hành trình còn lại trong đời. Và câu nói của cô gái bán thân gửi về cho mẹ 50 đô la Sin “Chắc má tao mừng lắm”, mãi còn văng vẳng bên tai tôi. Dân Tộc tôi dưới chế độ cộng sản thực sự là một khổ nạn đến tận cùng !. Mong rằng hai chữ “lương tâm” của con người sẽ không còn nằm im trên trang giấy trong tự điển.
Võ Đại Tôn
Chiều Geylang, Singapore.

Wednesday, August 7, 2019

Coi Chừng Tu Hú - Báo Việt Luận

Tu hú có tên tiếng Anh là Asian Koel, còn tên Khoa học là Eudynamys scolopaceus, thuộc họ Cucu (Cuculidae) được tìm thấy ở Nam Á, Tàu, và Đông Nam Á. Từ "Koel" có gốc từ tiếng Hindi, còn gốc tiếng Phạn là "Kokila" (theo văn chương Phạn vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên loài chim này được gọi là Anya-Vapa có nghĩa là "lớn nhờ người khác nuôi"). Đặc điểm của loài Tu hú là loài đẻ nhờ (không bao giờ làm tổ mà chỉ tìm các tổ chim khác để đẻ). Vì vậy chim Tu hú non được các loài chim khác nuôi dẫn đến nhiều trường hợp chim con lớn gấp nhiều lần chim cha mẹ nuôi). Khi đẻ, Tu hú chỉ đẻ một trứng duy nhất của nó trong tổ của nhiều loài chim khác nhau, kể cả tổ của các loài chim nhỏ. Thường con Tu hú trống có nhiệm vụ bay vờn quanh tổ để thu hút sự chú ý của chim chủ nhà, và cố tình dụ cho chim chủ nhà bay ra khỏi tổ đuổi mình (để bảo vệ trứng) nhằm đánh lạc hướng cho Tu hú mái có cơ hội đẻ một quả trứng của mình vào tổ. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy sau khi chim chủ của tổ chim đẻ trứng đầu tiên được một ngày rưỡi thì Tu hú tìm cách đẻ trứng vào đó. Trứng Tu hú thường nở trước 2, 3 ngày so với trứng của chim chủ nhà, nhưng để bảo đảm trứng của mình được chăm sóc, Tu hú mái ác độc thường ăn trứng hoặc làm hư hại trứng của chim chủ nhà, rồi mới đẻ trứng của mình vào. Chim Tu hú Á châu là loài ăn tạp, chúng ăn tất cả các loại côn trùng, sâu bướm, trứng, và các động vật có xương sống nhỏ, cũng như ăn cả trái cây.
Đó là nói chuyện chim. Chuyện Việt Nam cho tới bây giờ vẫn lắm điều chẳng khác gì chuyện Tu hú.
Năm 1954, Hiệp định Geneve ra đời. Nhiều thanh niên trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp (không ngờ cuộc kháng chiến đó của họ đã bị CS lợi dụng) theo lệnh trên, đã cưới vợ vội vã, gấp rút như kiểu cưới chạy tang. Sau đó, cũng theo lệnh cấp trên, họ rời bỏ người vợ mới cưới hay người họ mới yêu để tập kết ra Bắc. Ra ngoài Bắc rồi, nhiều người lập gia đình mới nhưng lại vẫn theo lệnh đảng CS và nhà nước CS ngoài Bắc, trở về Nam chiến đấu, họ tìm và được người vợ, người yêu khi xưa tận tình giúp đỡ, che chở, nuôi giấu. Hơn thế, cái trứng “Tu hú” trước kia gửi trong bụng vợ (hay người yêu), được sự bảo bọc của xã hội miền Nam, cũng sẵn lòng làm chuyện đó. Bởi thế CS mới phát động được cái gọi là “chiến tranh nhân dân”, nhất là ở những vùng xôi đậu. Bởi thế mới có chuyện con cái của đảng viên CS tập kết lớn lên trong miền Nam, cũng được học hành tử tế, cũng được phép phục vụ trong hàng ngũ quân cán chính miền Nam, và nhiều kẻ đã len lỏi vào tận những cơ quan, đơn vị nòng cốt của chế độ Cộng Hòa và chỉ lộ mặt sau ngày 30/4/1875! Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến số đảng viên CS được lệnh theo chân đoàn người di cư vào Nam sau ngày Hiệp định Geneve 1954, để rồi trong 21 năm chiến tranh, cũng là những phần tử nằm vùng hoạt động cho miền Bắc.
Thế rồi ngày 30/4/1975 đến. Nhiều người dân miền Nam di tản kịp thời, được định cư ở các nước Âu Mỹ, và tiếp theo sau đó là những đợt thuyền nhân, bộ nhân lũ lượt bỏ quê hương, rời gia đình họ hàng vượt biên vượt biển đi tỵ nạn. Lại một lần nữa trong hàng ngũ tỵ nạn lại đầy dẫy những kẻ “ra đi theo chỉ thị”. Con cái những kẻ này trưởng thành, học hành, thành tài tử tế là nhờ sự che chở, giúp đỡ của các nước tự do, như thể chim Tu hú lớn lên trong tổ chim Sáo sậu và những đứa con ấy khi lớn lên, lại tiếp tục công việc của cha mẹ được đảng CS, và nhà nước CSVN giao phó là hòa trộn vào tập thể tỵ nạn, xúi giục gây mâu thuẫn, bất hòa để cái cộng đồng tỵ nạn ấy càng ngày càng suy yếu đi. Và trên hết là làm sao để nắm quyền lãnh đạo những hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng, dần dần lèo lái cộng đồng -và lớp trẻ con cái những người tỵ nạn chân chính rời xa lý tưởng mà cha mẹ đã phải liều mình hy sinh cố tìm ra sự sống trong cái chết của thuở ban đầu!
Công việc chống Cộng mỗi ngày một khó khăn. Đối phương ở xa chưa làm gì được mà nội bộ, đồng bào, chiến hữu từng cùng thân phận tỵ nạn đã xào xáo, chia rẽ. Mười hội thì ít ra cũng năm, sáu thể nào sau một thời gian hoạt động hăng say, đoàn kết gắn bó keo sơn cũng phân làm hai, cố dành bằng được vai trò “chân chính”, không ngại ngần thóa mạ, chụp mũ những người mới hôm trước còn là đồng chí, chiến hữu là “tay sai VC”, là “nằm vùng” Ai nói phải quấy thì chụp ngay cho cái "nón cối". Chuyện buồn cười (và đắng cay ấy) như thế cứ liên tiếp xảy ra, hết lúc này đến lúc khác, hết nơi này tới nơi khác. Vì nếp sống tự do và nguyên tắc tôn trọng đa số của các nước định cư chỉ phù hợp với một nền sinh hoạt chính trị dân chủ kiểu Tây phương, dựa trên truyền thống phong tục đã có lâu đời; nhiều người có lòng nhưng vì tự trọng đành ngậm ngùi rút lui, từ giã mọi sinh hoạt để mặc cho kẻ khác tha hồ nhảy múa.
Tình thế lại càng trở nên khó khăn hơn cho những người còn có lòng, có chí tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tự do dân chủ không Cộng sản kể từ khi Hoa Kỳ và các nước Tây phương theo chủ nghĩa tư bản bãi bỏ cấm vận, bắt tay với chế độ cầm quyền ở Việt Nam CS để làm ăn. Giao thương ngày càng tăng dẫn theo một làn sóng “Tu hú” mới từ trong nước ào ạt đổ ra hải ngoại để “đẻ trứng” vào những chiếc tổ mà đoàn “Sáo sậu tỵ nạn” đã dày công xây đắp.
Thử nhìn ở nước Úc này thì thấy ngay! Với làn sóng du học sinh và lấy chồng lấy vợ (thật lẫn giả) ngày càng gia tăng; chuyện thực tế phải đến đã đến là thành phần người tỵ nạn thật sự trong cộng đồng người Việt định cư ở Úc càng lúc càng hao hụt đi nhiều. Điều này khiến cho cuộc chiến nhằm đạt được tự do, nhân quyền và dân chủ cho người dân tại quê nhà vẫn còn đầy khó khăn. Chế độ CSVN trong bao năm qua vẫn không bao giờ lơ là việc tấn công vào thành trì tỵ nạn hải ngoại bằng đủ mọi phương cách qua việc ban hành và nỗ lực thi hành nghị quyết 36.
Sau thời kỳ hoạt động mạnh mẽ -cả về chính trị lẫn quân sự- của những năm đầu ngay sau 1975, nhiều tổ chức đảng phái của người Việt tại hải ngoại đã đóng góp khá nhiều vào cuộc đấu tranh chung. Nhưng đáng tiếc trong khoảng gần 2 thập niên trở lại tới nay, rõ ràng tình hình đã diễn biến theo chiều hướng bất lợi hơn cho khối người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Trong thời gian đó, một bên là lớp người tỵ nạn ban đầu (thế hệ thứ nhất) ngày càng già yếu, hao hụt dần, lý tưởng “chống Cộng” mỗi ngày mỗi bớt đi mà chiến thuật  “đẻ nhờ” của Tu hú vẫn được CSVN tận tình khai thác. Họ đem “trứng CS” gieo khắp nơi, bất cứ lúc nào thuận tiện ở bất cứ nơi đâu có người Việt định cư. Ba mươi năm qua, nhất là từ khi phải mở cửa từ năm 1990 đến nay, việc du lịch, du học, hay lập gia đình giữa trai hải ngoại, gái trong nước (hay ngược lại) đã thành chuyện bình thường. Nhưng có ai dám nói chắc rằng: Trong những cuộc hôn nhân ấy không có trường hợp CSVN dùng để tiếp tục gửi người ra ngoại quốc? Gửi “cái trứng” ra ngoài, cái trứng đó được người Việt ở hải ngoại chăm sóc; hay nói cho đúng hơn là “cái trứng” đó được xã hội các nước khác nuôi nấng bảo bọc; với việc gửi trứng đó, CSVN có thiệt thòi gì? Khi trứng phát triển, trưởng thành bắt đầu làm việc, để cung phụng lại nơi được coi là nguồn gốc, nơi đã gửi chúng ra ngoại quốc, đó là điều Hà Nội không trông mong gì khác hơn.
Chưa kể, khi nhà cầm quyền CSVN trước bờ vực sụp đổ vì kinh tế kiệt quệ, phải chọn con đường “mở cửa kinh tế” để vừa cứu vãn chế độ, vừa thu hút được lòng hám lợi của tư bản ngoại quốc và đặc biệt, không ít bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, bọn chỉ vì đồng tiền sẵn sàng quay lưng 180 độ, phủ nhận ngay chính những gì chúng từng mạnh miệng khi vừa định cư để trở về ôm chân những Lãnh tụ CS, những kẻ mà mới hôm trước chúng còn đả đảo! Người Việt tỵ nạn ở Úc trong hai thập niên qua đã lần lượt chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những vụ “trở cờ, đón gió”ấy. Và đáng buồn thay, những khuôn mặt phản bội ấy đa số là những kẻ từng cũng có thời là quân nhân, là công chức VNCH, từng cũng có thời là Chủ tịch Cộng đồng, Chủ tịch Cựu quân nhân… Vậy mà lần lượt “cóc chết ba năm quay đầu…” hết lời ca tụng “đất nước đổi mới, đời sống kinh tế phát triển” , liếm sạch những thứ mà chúng trước đó đã nhổ!
***
Cũng vẫn chuyện “Tu hú đẻ nhờ để rồi chiếm cả tổ Sáo sậu” trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc càng lúc càng có nhiều điều xác nhận rằng: “Công sức xây dựng cộng đồng đến mức phát triển như ngày nay” đang dần dà có nguy cơ về tay CS. Bao năm nay chúng ta nói nhiều đến chuyện CSVN ra sức xâm nhập vào cộng đồng về mọi mặt. Nếu chịu khó nhìn kỹ một chút thì không khó gì để không thấy. Trong mọi lĩnh vực, từ truyền thông, văn hóa đến xã hội, giáo dục; sau gần 40 năm định cư cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc đã xây dựng được rất nhiều cơ sở và dần dà phát triển càng ngày càng lớn mạnh. Thế nhưng có bao giờ chúng ta băn khoăn rằng “những cơ sở ấy tương lai sẽ do ai quản trị, ai điều hành và đường lối hoạt động có còn giữ nguyên vẹn như ban đầu là phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người Việt tỵ nạn và tiếp tục công cuộc tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự dân chủ, tự do, cho người dân được hưởng mọi quyền làm người?
Những cơ quan truyền thông Việt ngữ - cả của tư nhân lẫn của chính phủ lập ra để phục vụ cộng đồng Việt tỵ nạn- đã có bao nhiêu bộ mặt mới? Bao nhiêu gia đình chỉ vì thích nghe tiếng Việt, đã mở cửa cho các chương trình truyền hình của nhà nước CSVN tiếp vận qua vệ tinh xâm nhập vào nhà 24 trên 24 giờ mỗi ngày? Bao nhiêu lớp học Việt ngữ dạy cho trẻ con tại Úc bằng giáo trình do Bộ Giáo dục CSVN soạn thảo? Những đoàn thể xã hội đã có thêm bao nhiêu thành viên mới, không ít người là những kẻ đến Úc theo diện di dân –đoàn tụ gia đình hay doanh nhân, và trong số đó bao kẻ là cán bộ, viên chức nhà nước CSVN tìm đủ mọi cách tẩu tán tài sản làm ăn bất chính? Biết bao nhiêu tu sĩ “quốc doanh” chễm chệ trong các cơ sở tôn giáo mà người tỵ nạn đã chắt bóp công sức bao năm xây dựng? Bao nhiêu kẻ -đã và sẽ- là người hưởng thụ những dịch vụ chăm sóc phụ nữ, người già –do chính phủ tài trợ, giúp đỡ cho các Hội đoàn đoàn thể trong cộng đồng lập ra, với sự đóng góp của biết bao nhiêu người hằng tâm hằng sản vô danh? Như thế nếu không gọi là “Tu hú xâm lăng chiếm tổ Sáo sậu” thì gọi là gì?
Nhưng quan trọng hơn, có ai nghĩ đến thế hệ tương lai con cháu chúng ta lớn lên chúng lâm cảnh “trông gà hoá cuốc”, kẻ thật tưởng người gian… và ngược lại, trông kẻ gian mà cứ ngỡ là người ngay thẳng để rồi như “Cô bé quàng khăn đỏ” bị chó sói ăn thịt mà vẫn cứ tưởng là mình được người bà kính mến yêu thương? Đến khi đó thì cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác đã sang trang. Và khi đó thì thế hệ thứ nhất này chắc chắn không thể nào ngậm cười nơi chín suối được.
Báo Việt Luận Australia