Monday, August 5, 2019

Về Cha - Cát Biển


Khi tôi còn bé, ba tôi hay đi lưu diễn cùng với đoàn văn nghệ cãi lương tỉnh Bình Thuận nên ông được biết đến qua tên hiệu Phan Sinh hơn là tên thật. Vào dạo đoàn về trình diễn tại rạp Moderne, tôi bé tí teo, quá bé để nhớ nhiều; chỉ loáng thoáng trong ký ức cảnh rạp hát mờ mờ ảo ảo, ba đóng vai Hoàng Tử Lưng Gù và một vài cảnh đánh gươm mà tôi rất thích. Đến lúc ba bị gian thần đâm một nhát gươm trên sân khấu, tôi khóc lóc gào rên “Ba ơi, ba...” làm cho ai cũng bật cười. Tiệm may Phan Sinh của ba tôi sát vách với nhà hàng nỗi tiếng Nam Thạnh Lầu, lúc nào cũng nhộn nhịp với hơn 10 thợ may nam nữ. Cảnh bên phố có những buổi chiều với tia nắng vàng nghiêng nghiêng nhẹ nhàng êm dịu như dòng đời, khác hẳn với những khẩn trương ngày Tây về ruồng bố như dạo anh chị tôi chào đời mấy năm trước đó.

Những năm sau ngày bầu cử Tổng Thống Việt Nam đầu tiên quê tôi thật thanh bình êm ả làm sao bên mái gia đình thân thương. Bỗng một hôm chủ phố từ Sàigòn về, vì cần tiền gấp ông lấy lại căn nhà để bán ngay cho người nào có thể trả bằng tiền mặt. Quá yêu quý căn nhà nhưng không sẳn tiền để chồng mua, gia đình chúng tôi đành phải dọn xuống Cồn Cỏ, mãi 1 năm sau mới dọn về căn nhà mới cất ở trước Ấp Đức Nghiả. Lúc lên 10 tuổi, tôi bắt đầu ghi nhận thêm nhiều kỹ niệm đáng yêu về Phan Thiết. Tôi nhớ vào khoảng năm 1963 tỉnh Bình Thuận tổ chức diễn tuồng "Hoàng Hoa Thám", có ca nhạc và cả nhạc cảnh "Hòn Vọng Phu", để gây quỷ cứu trợ nạn lụt miền Trung. Đây là một tuồng công phu với sự đóng góp của nhiều người con Bình Thuận. Trong kịch bản Hoàng Hoa Thám do ông Trần Thiện Hải cha của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, cha tôi đóng vai Đề Thám tức Hoàng Hoa Thám, phấn đấu chống Pháp trong hoàn cảnh bi thương nhất. Chú Tư Hí, chủ tiệm hớt tóc trước rạp Moderne, là 1 quái kiệt, chọc cười nghiêng ngã. Ông thủ vai anh lái dê, với mấy câu than thân trách phận về tật “dê” cố hữu khiến ai cũng cười lăn. Chú Mai Hiếu là một tài tử xi-nê bô trai mũi cao, to lớn, đóng vai quan toàn quyền Pháp, kẽ thù dân tộc. Chú Châu (cảnh sát) đóng vai Trần Quang Ngọc ngực mang thẻ bài, là kẽ bồi Tây chỉ điểm cho giặc, cùng với các chú Thạnh, Võ, Tư Kiên, và nhiều diễn viên khác mà đến nay tôi không thể nào nhớ hết. Cảnh bi hùng nhất là cảnh xử trãm anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Quốc (VNQDĐ). Để làm chiếc đầu người, tôi còn nhớ ba tôi dùng 1 quả đu đủ xanh cạo khắc mặt mủi giống nét người. Giưã ánh đèn sân khấu mờ ảo, chiếc đầu của anh hùng Nguyễn Thái Học rơi rụng trên đoạn đầu đài, vừa hào hùng vừa bi thãm không khác nào số mệnh đau thương chung của dân tộc Việt...Ngoài ra còn có 1 đội vũ công từ Sài Gòn về tham gia. Thuở đó, bên cạnh trường Tiểu Học Đức Nghiả gần nhà chị Ngô Đình Minh Khanh có 1 bải cát lún mà chúng tôi thường ra thả diều. Bải cát đó là nơi tập dợt của đội vũ, vì màn vũ có những cảnh nhảy cao và nâng người quá đầu, nên có té xuống cát lún thì cũng đở đau...

Nhà tôi hầu như lúc nào cũng có tiếng cười tiếng ca. Có lúc các nghệ sĩ tề tựu quây quần, nguyên một dàn đờn gồm Kìm, Xến, Tỳ Bà, Guitar, Tranh cùng hòa tấu. Tiếng đàn đủ loại rượt bắt nhau thoăn thoát, vây lượn giữa tiếng ngân tiếng ca mùi mẫn của chị Tám, chú Võ, thật là 1 cảnh tượng hạnh phúc đáng yêu mà tôi không thể nào quên. Chú Năm (em chú Tư Sanh chích thuốc) từ Sài Gòn về, là một tay đờn guitar điệu nghệ vững vàng, vừa đệm đờn vừa nhịp tiếng song lang các bài Sương Chiều Tú Anh thật mùi, với các âm hưỡng đầy tình người. Những dịp đó, người qua đường tụ tập thật đông trước nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, với hàng rào hai bên cổng phủ đầy hoa hoàng anh vàng thắm, để vui lây trong cuộc say mê của nhóm nghệ sĩ trước sân nhà tôi. Trong những cuộc cầm ca mê hoặc đó, các giọng hát nam nữ tranh đua nhau trổ tài giửa không khí hào hứng khích lệ của các nghệ sĩ đánh đàn, vẽ nên hình ảnh sinh hoạt văn nghệ tiềm tàng của người dân Bình Thuận...

Tôi, một cậu bé, chỉ biết mang giử những hình ảnh thân thương đó theo cạnh cuộc đời không bao giờ tưởng tượng được sẽ có dịp bước ra sân khấu để sống lại những hình ảnh dấu yêu ấy mà các cha chú đã đi qua. Từ bé tôi chỉ chạy loáng xoáng trong nhà, không bao giờ biết ca biết hát. Vào năm 13 tuổi, ba tôi dạy đánh đờn Xến, tôi chỉ học duy nhất 1 bài Xang Xừ Líu (liu liu liu ú sáng liu, liu xừ liu ú liu xừ...) rồi từ đó chỉ biết nghe mà không bao giờ trực tiếp tham dự. Trong khi các chị và em tôi đều biết ca các bài bản Nam lẫn Bắc, tôi chỉ biết vùi đầu vào các sách toán và triết, đêm đêm cùng với các bạn thân Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Trung Quang hút thuốc lá trước nhà Hùng (đối diện hãng nước đá Huỳnh Đức), giữa bầu trời đen với những sao lấp lánh, bàn say mê về Jean Paul Sartre, André Maulroix, André Gide, Francoise Sagan...ru hồn theo văn của Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ và thơ của Nguyễn Đình Toàn, Xuân Diệu, Nguyên Sa... 

Kỷ niệm về người cha yêu dấu được hằn lên sâu đậm nhất vào những lúc mình không ngờ được. Thuở tôi nhận chức vụ Engineering Director cho hảng BEI tại Litle Rock, Arkansas, tôi mua 1 căn nhà xinh 2 tầng trong một khu yên tỉnh. Có điều khu nhà này cách không xa 1 tuyến đường xe lửa thường xuyên hụ còi đến đi vào quảng giữa khuya. Tiếng còi xe lửa huyền hoặc đó lôi kéo về trong tôi không biết bao nhiêu là thương nhớ về Ba, vì dạo còn nhỏ được cưng chiều, hầu như không chuyến đi Sài Gòn nào mà Ba tôi không dắt tôi theo. Nhớ làm sao những chuyến xe đêm, tàu ngừng tại mấy chặng, tôi được ăn cháo gà, được nghe tiếng xe rốc rách chạy lặng lờ xuyên đêm đen, và cuối cùng ngừng hẳn tại ga Sài Gòn ngay trước chợ Bến Thành, huyên náo nhộn nhịp. Tôi có cảm tưởng như mình đang được trải qua các chuyến phiêu lưu kỳ thú như Sinh Bá trong chuyện thần thoại 1001 Đêm của vương quốc Ba Tư...

Tôi viết bài thơ trong nỗi nhớ ràn rụa về Ba...

Thương chuyến cùng Ba xe lửa khuya
Mường Mán ga đêm chén cháo gà
Ánh mắt dương to nhìn phố lạ
Chợ Bến Thành huyên náo lụa là

Con vẫn cùng Ba những quảng đường
Tay bàn tay nắm ngỏ yêu thương
Những năm bé tí Ba bồng bế
Những chuyến vào thăm trọ học đường

Con nhớ Ba thường dẩn xem phim
Bá Đa đèn quý kẽ đi tìm
Mê mẫn quây quần Ba kể chuyện
Đường rừng sợ hải, tếu thêm duyên

Chuyện xử thế nhân, Tam Quốc Chí
Chuyện ngày đi hát, chuyến sang Miên
Cười mãi chuyện dài Thi Nói Láo
Huyền thiên kỳ sử Lẽ Một Đêm

Giọng ấm lời ca thấm hồn ai
Giải luạ ngân bay điệu ngắn dài
Những ngón tay đàn chiu chắt đuổi
Kìm Tranh Sến Lục tiếng nhặt thai

Ngày đổ Tú Tài con nhớ sâu
Ba ghì vai trẻ bước song đôi
Tâm sự phong trần Ba kể lại
Quảng đời cay đắng kẽ mồ côi

Chuyện cuả Ba mà như cuả ai
Bởi đời êm ấm có ngờ đâu
Cha mẹ đắm chìm cơn sử Việt
Hai đàn em dại chớm xanh đầu

Con cả chết đi ngày nhỏ dại
Tây lùng trai tráng bắt vào khu
Mẹ dắt tay bồng con bệnh yếu
Bánh làm mong bán khóc đêm dài

Êm ấm hoà bình tạm ghé chân
Nước nhà thay phế đổi ngôi Quân
Một mái gia đình vang tiếng hát
Những bàn chân đạp máy áo quần

Bơi lội trong tình thương thiết tha
Những lời tâm sự cuả người cha
Trùm lên sung sướng ngày thi đổ
Nước mắt hoà chan tận đến nhà

Rồi cảnh quê mình thêm khổ đau
Bom dầy đạn xéo đẩy chia ly
Những cánh tay ôm ngày giả biệt
Người trai nhập ngủ tuổi xuân thì

Khuya nay thức giấc tiếng đoàn xe
Chợt nhớ tàu xưa ấm cháo gà
Lẽ bóng bên trời nơi phố lạ
Có ngươì con vọng nhớ về Cha

...Đêm Nghe Đoàn Xe Lửa...


Cát Biển

No comments:

Post a Comment