Biển Cà Ná
Vì sao vùng đất từ Phan Rang đến Tuy Phong – Bắc Bình có khí hậu bán
hoang mạc, khô nóng, nắng nhiều, lượng mưa ít nhất nước? Nguyên nhân
nào mà xứ này có nhiều chủng loại hải sản độc đáo, có những hệ sinh thái
đặc trưng mà các vùng biển khác trong cả nước không có được?
Thường trong các giáo trình địa lý được giảng dạy trong nhà
trường phổ thông chỉ giải thích: Vùng biển này có hình dạng lãnh thổ bầu
tròn gắn với địa hình có những dãy núi ở cực Nam Trung bộ bao bọc nhô
ra sát biển, vì vậy ít được đón nhận gió mùa Tây Nam (gió mùa hạ đem mưa
đến).Những đợt gió mạnh Tây Nam đi ngang qua đều thổi theo hướng song song với vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận, nên diễn ra hiện tượng khô hạn. Kết luận như thế vẫn chưa được đầy đủ.
Ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khác cần phải tìm hiểu, đó là vùng biển chịu tác động tích cực hiện tượng độc đáo của tự nhiên: Hiện tượng nước trồi (upwelling) mà các vùng khác ít ảnh hưởng hơn hoặc không có.
Chính hiện tượng nước trồi đã tác động tạo nên tính chất khô hạn của vùng.
Trong các quá trình thủy văn, động lực ở biển và đại dương, hiện tượng nước trồi (có sách viết là trồi lạnh) là hiện tượng đặc biệt thường xuất hiện ở vùng biển ven bờ.
Trên thế giới, các vùng nước trồi được biết đến ở nhiều nơi: Bờ Tây Hoa Kỳ, Peru, Ma roc, Thái Lan…
Còn ở vùng biển Việt Nam, một vùng nước trồi quan trọng đã được thấy ở vùng ven biển Nam Trung bộ (tập trung mạnh nhất ở khu vực từ vịnh Phan Rang - Ninh Thuận đến vịnh Phan Rí - Bình Thuận).
Nguyên nhân nước trồi chính là do quá trình bù trừ trực tiếp theo chiều đứng, nước từ dưới sâu trồi lên lấp chỗ trống của lớp nước bên trên bị vận chuyển ra nơi khác theo hướng dọc bờ và tách bờ (vùng biển này được hình thành xoáy thuận thứ cấp, tạo ra tâm nước trồi mạnh).
Một yếu tố khác cũng là một trong những nguyên nhân cần và đủ để cho quá trình hình thành và phát triển hiện tượng nước trồi mạnh trong thời kỳ mùa hạ ở vùng biển Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận (ngoài các điều kiện cần nói trên), điều kiện đủ là:
Hướng của đường bờ (song song với hướng gió); Độ dốc thích hợp của địa hình thềm lục địa (khu vực này có độ dốc lớn và độ sâu hơn so với các khu vực khác); Sự tồn tại của hệ dòng chảy lạnh ven bờ theo hướng Bắc - Nam (lãnh thổ ảnh hưởng phân hóa theo vĩ độ); Sự ổn định về cường độ và hướng của trường gió mùa Tây Nam (gió mùa Tây Nam mạnh nhất vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 trong năm).
Hướng gió này thổi song song và cắt bờ ra khỏi khu vực, có cường độ mạnh và ổn định làm cho nước biển tầng mặt ở vùng ven bờ với nhiệt độ cao và độ muối thấp bị đẩy lùi ra khỏi, do đó để bù vào lượng đã mất, nước có nhiệt độ thấp (lạnh) và độ mặn cao từ các tầng sâu sẽ trườn theo sườn dốc trồi lên vào các vùng ven bờ.
Vùng biển nào nếu hội đủ các điều kiện trên thì hiện tượng nước trồi sẽ phát triển mạnh mẽ, ổn định.
Theo đánh giá của nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước: Thời kỳ gió mùa Tây Nam thịnh hành từ tháng 6 đến tháng 8 ở vùng biển Phan Rang và Bắc Bình Thuận được đánh giá đã tồn tại hiện tượng nước trồi mạnh nhất, nên khí quyển vùng này không kết tụ hơi nước để làm mưa.
Các vùng biển khác hiện tượng này cũng tồn tại nhưng ở mức trung bình hoặc yếu hơn.
Vùng biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau mặc dù gió mùa Tây Nam phát triển mạnh nhưng do đặc điểm địa hình thềm lục địa đáy nông và bằng, cho nên không thuận lợi hình thành hiện tượng nước trồi.
Hiện tượng nước trồi là nguyên nhân làm cho khu vực này ít mưa, khô hạn kéo dài, canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng bù lại các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo thức ăn phong phú cho động vật biển.
Nên ranh giới giữa các khu vực nước ấm và lạnh (frond) là những khu vực có xác suất sự hiện diện của các chủng loại hải sản đặc trưng với sản lượng lớn.
Đó là một trong những nhân tố làm cho ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận (đặc biệt khu vực tam giác Cà Ná – Phú Quý – Phan Thiết ở rìa Tây Nam của tâm nước trồi) tồn tại các điều kiện sinh thái môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật biển: thích hợp sinh vật nổi phù du, sinh vật đáy phát triển số lượng lớn, trứng cá, cá con nhiều, sò lông, điệp… có sản lượng cao.
Dưới góc độ tìm hiểu của chúng tôi để thấy thêm hiện tượng thiên nhiên độc đáo này, là tư liệu cho các thầy cô giáo dạy môn Địa lý trong tỉnh nắm thêm kiến thức về địa lý địa phương, khẳng định đây là một vùng có tiềm năng lớn trong ngành đánh bắt thủy sản của cả nước.
Hiện nay, các nhà khoa học trong và ngoài nước đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn đối với ngành động lực học của biển, nhằm hỗ trợ tích cực cho người Bình Thuận có kế hoạch khai thác và bảo vệ môi trường sinh học biển.
Lê Phương - Võ Nguyên
No comments:
Post a Comment