Sinh năm 1987, tuổi thơ Khoa là cả một chuỗi dài những ngày “xê dịch” cùng gia đình nay ở nhờ chỗ này, mai nương nhờ nơi khác, trước khi có một ngôi nhà hẳn hoi. Xe đạp, xe buýt là những phương tiện gắn bó suốt tuổi thơ Khoa, cho đến ngày lên Sài Gòn đi học, đi làm và mua được chiếc Honda Wave trả góp cách đây 10 năm.
Đăng Khoa bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới của mình từ ngày 1 Tháng Sáu, 2017, và dự trù kết thúc trong hai năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì Khoa cho rằng có lẽ phải kéo dài hơn một năm nữa vì nhiều lý do không như dự tính.
Hiện đang dừng chân tại Mỹ, quốc gia thứ 42 mà Khoa đã đi qua trong hành trình này, chàng thanh niên 32 tuổi với vẻ mặt ưa nhìn, dễ cười, nhưng cũng đầy cá tính, đã dành cho Người Việt cuộc chuyện trò ngay tại “parking lot” của tòa soạn, bên cạnh chiếc xe “cà tàng,” vào một chiều Chủ Nhật đầu Tháng Năm khi trời dịu nắng.
“Đi khắp thế gian” bằng “Honda Wave 2008”
Người Việt: Hành trình vòng quanh thế giới bằng xe gắn máy của Khoa diễn ra như thế nào?
Trần Đặng Đăng Khoa: Em đi từ ngày 1 Tháng Sáu, 2017, cho đến nay (5 Tháng Năm, 2019) là ngày thứ 704. Em tính đi 1,000 ngày, hay đến ngày 1 Tháng Sáu, 2020, tức tròn ba năm, thì về. Nhưng tình hình hiện tại chắc phải thêm hai năm nữa mới kịp, vì càng đi thì càng đi chậm lại, vì lúc đầu, mỗi ngày em có thể chạy khoảng 200 mile-300 mile nhưng giờ có những ngày đi chưa đến 100 mile thì thấy muốn dừng nghỉ hay ngắm cảnh, chụp hình nhiều hơn, trong khi đường còn quá xa, muốn qua Úc hay Châu Phi nữa.
Người Việt: Vì sao Khoa lại chọn một chiếc xe rất bình thường chứ không phải là một chiếc mô tô “xịn” để thực hiện chuyến đi này?
Trần Đặng Đăng Khoa: Có nhiều lý do. Em quan niệm những gì thân thuộc thì luôn dễ chịu và an toàn. Đồng thời cũng có một chút gì thuộc về tâm linh. Đây là chiếc xe gắn máy đầu tiên em có. Lúc còn đi học thì gia đình khó khăn, em đi bộ, đi xe buýt, hay xe đạp. Ra trường đi làm mới mua được chiếc xe này trả góp. Đến nay cũng tròn 10 năm, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm của em. Em đi học, đi làm, đi chơi, chở người yêu cũng là bằng xe này. Những chuyến đi gần gần trong nước em cũng đều đi bằng chiếc này. Từ đó em nghĩ nếu em đi xa, đi vòng quanh thế giới thì em cũng đi với nó thôi. Một lý do nữa là nó rất nhỏ nên tiết kiệm xăng, tiết kiệm tiền, nhiều khi xe hư hỏng cần đẩy đi sửa, đẩy lên xe truck thì chỉ cần có hai người là khiêng được rồi. Nhưng ngược lại cũng vì nó nhẹ quá nên nhiều khi chạy trên đường gió mạnh quá, như hôm em chạy ở Texas gió mạnh tưởng bay xe luôn.
Xin visa, việc khó nhất khi du lịch thế giới bằng xe gắn máy
Người Việt: Với Khoa, điều khó nhất khi du lịch vòng quanh thế giới bằng xe gắn máy là gì?
Trần Đặng Đăng Khoa: Khó nhất là xin visa, vì em quốc tịch Việt Nam. Đi nước nào cũng phải xin visa, có một số nước, chẳng hạn như Iran, thì họ yêu cầu phải về Việt Nam xin, mà em đang trên hành trình, đi đến đâu xin đến đó nên đâu có trở về Việt Nam để xin được. Nhiều nước như Mỹ, Peru, Canada cũng khó. Mỗi lần xin visa phải chuẩn bị giấy tờ, lấy hẹn phỏng vấn, đã vậy còn thêm chiếc xe nữa, phải làm giấy tờ xuất-nhập cảnh cho xe, rồi mỗi lần qua đại dương, qua biển, thì phải gửi xe, rất mất thời gian vì giấy tờ rất khó khăn.
Người Việt: Có nơi nào Khoa xin visa mà người ta từ chối không?
Trần Đặng Đăng Khoa: Có hai chỗ, là Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cho bay vô chứ không cho chạy xe bằng đường bộ vô. Còn Argentina thì đợt đó em đang ở Austria xin, họ không từ chối mà họ đòi rất nhiều giấy tờ mà em đi kiểu này thì đâu có mang theo hết giấy tờ ở Việt Nam để nộp.
Người Việt: Với nhiều người, xin visa vào Mỹ rất khó, riêng Khoa thì sao?
Trần Đặng Đăng Khoa: Trong kế hoạch ban đầu em không định tới Mỹ vì em biết nó mắc, và giấy tờ phức tạp. Lúc đó em đang ở Colombia, em đã xin visa Úc rồi, chuẩn bị hôm sau sẽ mang xe ra cảng gửi. Rất tình cờ em đi dạo vòng vòng thì đi ngang Đại Sứ Quán Mỹ. Tự dưng em nghĩ hay là vô xin thử, vì ai cũng nói khó thì kệ xin được thì được không thì thôi.
Ngày hẹn phỏng vấn, em mặc quần short, mang “dép lào” vì nghĩ 90% là họ không cho, vì em đã đi qua Iran, Pakistan rồi, đó là những nước thù địch với Mỹ, em cũng không có bà con hay ai bảo lãnh ở Mỹ, tiền cũng không nhiều, không tài sản, rồi độc thân, không có việc làm ổn định nữa. Vậy mà sau khi nói chuyện xong thì họ đồng ý cho visa, em cũng bất ngờ. Nghĩ chắc cũng có duyên với Mỹ, nên em bỏ visa Úc lúc đó, đi qua Mỹ chơi trước. Đi qua thì chỉ định đi miền Đông. Đi miền Đông xong thì qua Canada chơi, rồi nghĩ đi miền Tây luôn, nên quay trở lại Mỹ, họ cho visa em được thêm sáu tháng nữa.
Phải biết sợ để mình cẩn thận
Người Việt: Du lịch bằng xe gắn máy như thế này thì hành trang Khoa mang theo nhiều không?
Trần Đặng Đăng Khoa: Rất nhiều. Ngoài ba lô đựng passport, máy tính, máy ảnh là những thứ quan trọng em luôn mang bên người, thì em còn cái ba lô đựng dây điện và những đồ điện tử khác hay đồ sinh tồn linh tinh, một ba lô quần áo đựng đồ mùa Đông, mùa Hè, rồi hai ba lô vắt bên hông chứa lều bạt, bếp núc nấu ăn dã chiến. Nhưng càng đi em càng bỏ đồ lại từ từ cho xe nhẹ bớt.
Người Việt: Đi một mình, khi dừng lại ngủ nghỉ, Khoa chọn khách sạn, hay cắm lều ở ngoài đường nhiều hơn?
Trần Đặng Đăng Khoa: Vấn đề là em không biết ngày mai em ngủ ở đâu vì mỗi ngày có thể là một thị trấn mới, một thành phố mới, nên đến nơi em mới quyết định. Chính vì không biết trước nên em không có đặt chỗ ở trước. Như ở Mỹ không phải muốn cắm trại ở đâu cũng được, nhiều khi vô lộn đất riêng của người ta sợ người ta cầm súng ra chạy không kịp. Nhưng đến nhiều nước khác có cảnh đẹp của một bãi biển hay đỉnh núi thì em kiếm chỗ an toàn dựng lều ngủ, tiết kiệm được tiền mà lại gần gũi thiên nhiên.
Người Việt: Trong hành trình đã qua thì nơi nào nguy hiểm nhất?
Trần Đặng Đăng Khoa: Nguy hiểm thì chắc là vùng Iran, Pakistan, nơi đó có khu vực nội chiến bắn nhau, đánh bom cũng nhiều. Ở Nam Mỹ thì thổ phỉ cũng nhiều. Trên dãy Andes thì có những con đường đá lở, có khi đá rớt trước mặt luôn, sạt đường, rồi trên cao, không khí loãng cũng dễ làm mất sức. Ngay ở Mỹ đây có nhiều thành phố đi ngang cũng cảm thấy ớn ớn nhưng vì xe em nhìn thấy “cùi bắp” quá nên không bị giang hồ để ý nhiều.
Người Việt: Những nơi có chiến tranh như Iran không khiến Khoa sợ sao?
Trần Đặng Đăng Khoa: Thực ra phải sợ, vì có sợ thì mình mới thấy cần phải cẩn trọng chứ ai không biết sợ thì sẽ chết trước, sẽ gặp nguy hiểm. Phải biết sợ để mình cẩn thận, phải có linh tính cảm giác để mà đề phòng, để tránh những nguy hiểm. Nhưng sợ thì sợ vì có nhiều con đường không đi không được. Ví dụ từ Việt Nam đi qua Châu Âu theo đường Nam Á thì bắt buộc phải đi ngang Iran, Pakistan vì không thể vòng lên Afghanistan được. Cho nên sợ nhưng vẫn phải đi thôi, đến lúc đó, thời điểm đó thì phải đi thôi.
Người Việt: Đi qua nhiều quốc gia như vậy, Khoa dùng ngôn ngữ như thế nào?
Trần Đặng Đăng Khoa: Em biết mỗi tiếng Anh thôi, tiếng Đức và tiếng Hoa thì biết sơ sơ. Đi đến đâu mình học tới đó, như lúc em qua Tây Ban Nha ở lại tám tháng, thì bạn bè địa phương họ cũng dạy mình ít chữ đủ giao tiếp. Không thì dùng Google dịch ra. Còn với những nước nào ngôn ngữ họ khó quá thì em in sẵn những tờ giấy bằng ngôn ngữ của nước đó với những câu thông dụng rồi mang theo, khi cần thì mình đưa ra cho họ coi, rồi tay chân múa may, hiểu tới đâu thì hiểu, không thì thôi.
Hành trình chưa biết ngày kết thúc
Người Việt: Chuyến đi của Khoa được nhiều người ngưỡng mộ và muốn làm theo, nhưng ai cũng e ngại vấn đề tài chánh. Vậy, bằng cách nào Khoa có thể chi phí cho chuyến đi lâu dài như thế này?
Trần Đặng Đăng Khoa: Thực ra thì lúc đi em không có nhiều tiền, nếu không muốn nói là gần như hai bàn tay trắng, vì tiền dành dụm trước giờ em để lại cho gia đình. Lúc đầu cũng không có một công ty nào chịu bảo trợ cho chuyến đi, vì họ nghĩ mình xạo. Nhưng rồi em kiếm tiền ngay trên hành trình này, nghĩa là vừa đi em vừa viết bài quảng cáo cho các nhà hàng, rồi chụp hình, viết báo. Một số những nhãn hàng muốn tài trợ một post ngắn trên Facebook hay Instagram thì họ cũng ký hợp đồng một năm. Đó là cách em kiếm ra tiền chi phí cho chuyến đi.
Người Việt: Như vậy chuyến đi của Khoa mỗi ngày mỗi dễ hơn do người ta đã biết đến nhiều rồi phải không?
Trần Đặng Đăng Khoa: Dạ đúng, passport được các nước đóng dấu càng lúc càng nhiều thì càng dễ cho người ta biết mình hơn. Và người ta biết mình nhiều thì càng dễ kiếm được nhiều hợp đồng hơn. Nhưng mà chính vì vậy mà em cứ lết lết. Hồi xưa tiền không nhiều thì em tranh thủ đi nhanh, giờ càng đi càng lề mề. Ví dụ đến Mỹ, em chỉ định đi trong một, hai tháng nhưng giờ đã sáu tháng rồi mà cũng chưa đi xong. Nói chung là em đi đâu cũng phụ thuộc vào thời hạn visa, như Iran chỉ cho 16 ngày thì 16 ngày mình phải rời khỏi chứ không chắc cũng mệt. Nơi cho ở lâu, có thời gian thì em loanh quanh chơi vì không biết khi nào mình mới có dịp trở lại.
Người Việt: Sau khi ở Mỹ thì hành trình tiếp theo của Khoa là những đâu?
Trần Đặng Đăng Khoa: Em sẽ gửi xe qua Úc, mà gửi bằng tàu thì cũng mất hơn một tháng, trong thời gian đó chắc em đi Mexico, Haiti, đi qua mấy nước nghèo nghèo để có cảm giác xài tiền thoải mái một chút, chứ tiết kiệm hoài cũng mệt quá. Hổm rày thèm tô phở muốn ăn mà mắc quá. Qua Úc cũng mắc nữa nên tranh thủ khúc giữa đi nước nào rẻ rẻ mình ở chơi để cho thấy thoải mái một chút, với thêm nữa là em ngán burger quá rồi.
Người Việt: Ngoài 30 tuổi, phần lớn người ta nghĩ đến chuyện công việc ổn định, nhà cửa ổn định, tất cả đều ổn định. Riêng Khoa vẫn còn rong ruổi chưa biết điểm dừng. Với cuộc sống như vậy, điều Khoa có được so với những người bình thường khác là gì, và cái không được là gì?
Trần Đặng Đăng Khoa: Em nghĩ khái niệm ổn định tùy mỗi người. Với công việc, em thấy vẫn ổn định, chỉ là tính chất công việc không ổn định theo nghĩa đen là ngồi một chỗ, nhưng cũng có thu nhập mà lại thu nhập cao hơn trước. Em nghĩ trong đời người thay vì mình đổi một công ty khác thì mình đổi một cái nghề, nghề rong ruổi, thì đó cũng là giai đoạn hay trong cuộc đời. Giờ chưa có vợ con mà vừa được đi chơi, vừa có tiền nữa, mà tiền lại nhiều hơn để phụ giúp gia đình thì tại sao lại không làm. Nhưng nếu đã nói đây là một chuyến đi chơi thì cũng đến lúc nó phải kết thúc, phải về lại nhà cưới vợ, sinh con. Nói chung mỗi người có những giai đoạn đẹp trong đời thì em nghĩ đây cũng là giai đoạn hay. Tính em đã thích du lịch thì nghĩ cứ đi cho đã rồi về tính sau, chứ không mắc công bay qua bay lại tốn tiền vé máy bay, rồi lại cứ thèm, thì thôi thà cứ đi một lần cho đáng rồi sau này đỡ thèm.
Người Việt: Nếu một bạn trẻ ở Việt Nam nhìn thấy hành trình Khoa đi, cũng muốn được làm một chuyến như vậy, thì lời khuyên của Khoa là gì?
Trần Đặng Đăng Khoa: Em nghĩ điều quan trọng là người đó phải thực sự thích. Khi xem hình ảnh thấy đi nhiều, thấy thích, nhưng thực tế có nhiều thử thách, trở ngại, từ giấy tờ đến sức khỏe. Ví dụ như lỡ bị tai nạn tại một nước mà không có ai biết nói tiếng Anh, không có ai quen thì mình phải làm gì, phải chuẩn bị tinh thần như thế nào. Điều đó không đơn giản. Rồi mỗi ngày mình lại đến một nơi khác, không ai biết mình mà mình cũng không biết ai thì cũng có rất nhiều thử thách. Nên phải thực sự đam mê, thực sự thích thì hãy lên đường và bắt đầu đi những chuyến gần gần trước, rồi hãy đi xa hơn, xa hơn, đến khi thấy mình đủ sức khỏe, đủ khả năng, đủ bản lĩnh thì hãy lên đường đi một chuyến xa như thế.
Người Việt: Cám ơn Khoa về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn sẽ hoàn thành chuyến đi mơ ước của mình một cách mỹ mãn. (Ngọc Lan)
No comments:
Post a Comment