Thời
học Lớp Năm, còn trong tôi mù mờ trí nhớ lời ca “học sinh là người tổ
quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao” và
anh bạn Nguyễn Văn Thinh chắc tuổi 16 đi hỏi vợ, cô vợ người Tàu. Lên
Lớp Tư, anh Chính ở Cầu Bốn Mươi cũng làm đám cưới với cô thôn nữ Ấp Phú
Phong, sát Lò Tỉn Trần Bá Nghĩa. Thầy Lê, Thầy Thính và hết thảy bọn
học trò bè bạn, không thấy ai có ý kiến gì hết trơn. Lớp Ba, Thầy Lê bắt
học trò “chụm năm đầu ngón tay lại” mà đánh; bắt những người bạn học
của tôi “nằm xuống, nằm xuống” để tôi đánh bằng roi cá đuối. Cuối niên
học 1954-1955, được phần thưởng nhứt lớp về học lực và hạnh kiểm cộng
với phần thưởng xuất sắc toàn trường mà ba tôi và tôi phải mướn một
chiếc xe xích lô đạp chở về nhà. Trung tá Thái Quang Hoàng, tỉnh trưởng
lúc bấy giờ bắt tay, vò đầu, khen: “con học giỏi rứa”. Lớp Nhì, xuống
Trường Nam Tiểu Học Phan Thiết học với Thầy Khánh, tôi một lần bị thầy
“véo” vào bắp thịt nơi ống quyển chưn, đau chết cha. Và năm sau đó lên
Lớp Nhứt B với thầy Lô. Thầy giỏi sinh hoạt học đường thì học trò tốn
công, mệt sức. Cứ mỗi chiều Thứ Sáu, 3 chiếc GMC chở học trò 3 lớp Nhứt
A, B, C qua Sân Vận Động Quang Trung cho thầy thổi te te, tít tít và cho
trò chạy tới chạy lui dàn đội hình ngôi sao, tam giác, vòng tròn… “để
còn quay phim nữa”, theo như thầy nói.
Hè
năm 1956, tôi vào Trung Học Công Lập Phan Bội Châu Phan Thiết theo học
niên khóa 1956-1957 mà khắp xóm làng và bà con thân sơ xa gần ngợi khen
vô cùng “thằng nhỏ giỏ thiệt” làm mình cũng ra vẻ ta đây. Nghĩ mà coi,
cả nửa Phường Lạc Đạo, cả nguyên Phường Đức Long, cả Xã Phú Lâm…chỉ tôi
và Công Xóm Câu thi đậu. Vào ngôi trường danh giá nầy quả tình cay đắng
hết sức. Hằng ngàn học sinh khắp tỉnh làm sao mà nhét cho hết trong mấy
lớp Đệ Thất của trường? Bạn bè, có đứa “văn chương phú lục chẳng hay,
trở về làng cũ học cày cho xong” mà nghỉ học. Có đứa ráng “dùi mài kinh
sử” nơi các Trường Tư Thục Tiến Đức, Bồ Đề, Bạch Vân hay Ngô Đình Khôi
mới vừa mở. Năm đó, địa điểm thi tuyển là Trường Nữ Tiểu Học nằm trên
dốc cao, bên bờ Sông Mường Mán. Bàn thi của tôi có Võ Văn Sáu, Nguyễn
Văn Sáu và Lê Văn Sáu. Hai ông bạn Võ và Lê ngồi hai bên tôi “trượt võ
chuối”. Trường Trung Học Phan Bội Châu lúc bấy giờ đã dời về địa điểm
mới bên Phường Phú Trinh, nhưng lớp tôi còn ở lại một năm nữa trên lầu
trường cũ mà sau nầy là Trường Trung Học Tư Thục Tiến Đức. Có lẻ là “cái
thuở ban đầu” dễ xúc cảm và nhiều lưu luyến lắm hay sao mà quá nhiều
điều tôi nhớ dai đến bây giờ. Thầy Thủy dạy Cổ Văn và Pháp Văn, tôi
thuộc “Frère Jacques, Frère Jacques. Dormez-vous? Dormez- vous? Sonnez
les matines. Sonnez les matines! Din, dan, don. Din, dan, don”. Thầy
Thành, Nguyễn Hòa Thành dạy Kim Văn và Nhạc, tôi thuộc “làng tôi có cây
đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam…”.
Thầy Vĩnh Giên dạy Sử Địa kể chuyện nước Nga phóng vệ tinh Sputnik vào
quỹ đạo trái đất mang theo con chó Laika, thế giới sững sốt, nước Mỹ
bàng hoàng. Bạn bè, suốt cả bảy năm trời, không lớp nào tôi nhớ nhiều,
nhớ lâu bằng lớp Đệ Thất đầu tiên nầy. Thoại, Toại, Bảy, Hiền, Cảnh,
Hai, Triều, Cu, Thái, Lòng, Trép, Huỳnh, Nhơn, Khoa, Phi, Mộng, Hùng,
Hào, Ánh, Hải, Công, Triều, Nguyên, Dũng, Ánh, Minh, còn nữa nhưng thôi.
Mộng, Nguyễn Quang Mộng đi chợ mua con gà trống lớn quá để đi cắm trại
trên Lầu Ông Hoàng, bạn bè thay nhau ôm, nặng quá chữi om sòm.
Chiều ngày cắm trại, một con thỏ rừng chạy “tẩu vi thượng sách” bán mạng làm sao lọt vào ổ mấy anh học trò Phan Bội Châu. Con thỏ không còn dấu vết một sợi lông, một giọt máu nào lưu lại thế gian. Phi con Thầy Đợi, đẹp trai có đẹp trai như Tây Lai thật nhưng quậy hơn học. Dũng con cụ Đỗ Hữu Hải trước Nhà Thờ Lạc Đạo “cái chuyện gì cũng cãi, cãi cho được”. Triều, anh chàng giỏi Việt Văn, những bài luận của anh luôn luôn được Thầy Thủy, Thầy Thành đọc cho lớp nghe. Hai ông bạn Thoại, Toại học hành đã xuất sắc, hạnh kiểm lại tốt được thầy cô khen hoài, nhất là Thầy Vĩnh Giên và Cô Nhâm dạy Anh Văn. Tôi ngồi bàn đầu với mấy tên học thì dở mà phá thì giỏi là Cu, Khoa, Thái, Công. Năm đó, Xóm Câu, nói cho đúng hơn là Xóm Ngũ Hành của tôi không biết tại làm sao mà ngày đêm người lớn, kẻ nhỏ vùi đầu vào phé, xì lát, cát tê, xập xám quá trời, làm thằng nhỏ tôi lêu lổng, trốn học, ngu đần. Người Pháp có câu: “dis-mois qui tu hantes, et je te dirais qui tu es” là đúng lắm. Bạn hãy nói cho tôi nghe bạn chơi với ai, và tôi sẽ nói cho bạn nghe bạn là người như thế nào.
Cuối năm thi lên lớp đậu rồi bị gạch tên để Nguyễn Văn Công lên Đệ Lục và tôi ở lại Đệ Thất. Bị gạch tên vì xe đạp tôi chạy quá trớn, đâm thẳng vào lớp học đang sinh hoạt của thầy Mưu dạy Trường Nam Tiểu Học Phan Thiết. Thầy Mưu nói tôi, “thằng học sinh vô lễ, vô kỷ luật” với Thầy Cơ. Thầy Cơ “tôi cho nó lưu ban”. Gì gì đi nữa, cũng một bài học đáng đời. Niên Khóa 1957-1958, qua trường mới, Lớp Đệ Thất 3 của tôi nằm trên từng lầu bên phải, nhìn ra sân trường. Lúc bấy giờ có 2 lớp học Pháp Văn và 3 lớp học Anh Văn. Thầy Hiệu trưởng là Lê Tá, người Quảng Nam, tính tình nghiêm nghị, học sinh ai nấy đều e dè, sợ sệt. Một hôm giận quá, thầy chặt cây trúc bên nhà, bắt thằng Lương Hữu Bàng nằm dài xuống cái băng mà quất “để làm gương”. Thầy đến đâu, trò “né” đến đó. Không né, dại gì để thầy “ê, về hớt tóc đi nghe”. “áo bỏ trong quần đàng hoàng”, “trò học lớp nào”…thì thằng nhỏ, con nhỏ không có chuyện nầy cũng có chuyện kia thôi. Năm nầy, tôi nhớ tên Trần Thiên Đảm, gốc nhà quê, tật cận thị bị gán cho một cái tên nghe dễ sợ là Ở-Truồng-Trời-Sợ mỗi lần thầy kêu tên thì “hình như nó són đái”. Ông Hai, Trưởng Lớp lúc nào cũng khoe các tờ “programme” mới của 2 Rạp Modern, Rạp Bình Thuận và rành rọt kể chuyện các tài tử, minh tinh…Và làm sao tôi quên không kể chuyện “cái thằng mất dạy” một cách oan uổng hết sức của tôi. Hồi đó, giờ Việt Văn, Thầy Thư dạy chữ Dương trong danh từ Hán-Việt. “Dương là mặt trời, là con dê, là khen ngơi, là biển, là dâng lên…”. Học trò thi nhau cho ví dụ: dương liễu, dương gian, dương lịch,… và tôi thì oang oang “dương vật, dương cụ thầy”. Thầy Thư mặt đỏ lét, đập bàn, đá ghế đuổi tôi ra khỏi lớp. Tôi nghe sau lưng lời thầy chửi “cái thằng mất dạy”. Tôi tự hỏi tại làm sao? Một cô bạn gái đi qua nói nhỏ đủ nghe: “dương vật, dương cụ là cái của anh đó anh hai”. Mấy thằng con trai ào ào tiếp theo “dương vật, dương cụ là con cặt của mầy đó mầy”. Trời ơi! Tôi bàng hoàng! “Thầy không đuổi học là may”, tôi trách tôi trong lòng. Thật tình, tôi có biết gì đâu chữ nghĩa bá láp, bá xàm đó.
Tôi, thời bấy giờ thằng con nít nhà quê có biết gì và nghe làm gì ba cái chuyện tào lao đó. Niên Khóa 1959-1960 các Lớp Đệ Ngũ thiếu học sinh, trường mở khóa thi tuyển các học sinh bên ngoài vào. Lớp tôi có thêm những người bạn mới như Lưu Văn Tài, Đặng Thị Hương, Lê Ngọc Quán, Đặng Vũ Vượng… Nói là mới nhưng cũng là cũ hết trơn trong một thị xã nhỏ như Thị Xã Phan Thiết, là học sinh với nhau đi tới đi lui là gặp nhau, là đụng nhau, bảo sao không quen biết nhau từ trước. Họ không ở Trường Tiến Đức thì cũng ở Trường Bồ Đề, không ở Trường Bồ Đề thì cũng ở Trường Ngô Đình Khôi hay không ở Trường Ngô Đình Khôi thì cũng ở Trường Bạch Vân mà thôi. Tôi không biết ở đâu, năm học nào là năm học mà mấy cô biết đỏ mặt, thẹn thùng và mấy cậu biết liếc mắt, đưa tình? Ở đây, lớp tôi năm Đệ Ngũ là năm mà quý thầy, quý cô cứ phải la mấy cô mấy cậu học trò: “học là học, chớ có tư tình, mơ mộng”. Bạn bè bắt đầu chia đàn rẽ nghé từng cặp, từng cặp những “rendez-vous” tình lãng mạn, bồng bột, dạt dào. Chắc là tuổi bắt đầu chớm mộng gái trai, tôi thấy tôi cũng có gì thay đổi. Tụi nó thì “cắp đôi” những đứa với nhau ngang tuổi thường kêu tên, có khi quên lững thì mầy, tao. Tôi “mê hoặc” một cô mới Đệ Thất lúc nào cũng anh anh, em em nghe ngọt lịm. Có gì, quen nhau để “cặp kè” đi học lúc đầu, sau lên Đệ Lục, Đệ Ngũ ăn kem Liên Hưng, coi ciné các Rạp Bình Thuận, Modern và thỉnh thoảng rủ nhau đạp xe đạp đi Xuân Phong, Đại Nẫm, Phú Hội, Phú Long…giữ cho người ta đủ lớn đi lấy chồng. Vậy mà, một lần dám “coupe course” đi coi phim Samson et Dalila với cô bé ngó dzậy mà không phải dzậy ở Rạp Bình Thuận. May Thầy Hiệu Trưởng Lê Tá không “phết” cho mấy roi gậy trúc, chỉ phạt cấm túc nói theo tiếng Pháp cho oai là “consigne” thôi. Hú hồn! Xin nói ở đây cho rõ nghĩa, “cặp kè” của mấy người bạn tôi và “mê hoặc” của tôi chỉ là xớ rớ tuổi đời bình mình vừa hé, lành mạnh, trong sáng… như trăng sao vằng vặc chưa hơi hám tục lụy trần đời. Một hôm, có một cái thơ tỏ tình của một anh gởi cho một chị cùng lớp, bị bạn bè rêu rao kỷ quá, chế diễu kỷ quá làm hai anh chị “thôi, chia tay nhau từ đây”. Trong thơ nào là “Phan thành”, nào là “trường Phan” nghe sao lạ hoắc, nghe sao dỡ ẹt. Bạn bè nói cho nó nghe: “Phan Rí, Phan Rang thì Phan thành được không?”; “Trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẳng, Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, Trường Phan Sào Nam ở Sài Gòn thì trường Phan được không”. Tội nghiệp anh bạn chưa kịp độn thổ còn biết gì lúc nầy mà hay với dở, đúng với sai. Tết, một buổi Văn Nghệ Tất Niên được tổ chức vào ngày cuối Tháng Chạp đông, vui biết mấy. Toàn, người Quảng Nam vừa điều hợp, vừa đàn, vừa ca. Bạn bè khi đơn ca, khi đồng ca, khi hợp ca. Và cuối cùng vỗ tay cùng hát
“vui một đêm nay rồi mai lên đường. Vui buồn ai hay. Tình dâng đêm trường. Theo tiếng gọi quê hương, anh ra ngoài biên cương, say với đời đấu tranh…” bài Tình Đêm Liên Hoan của Hoàng Thi Thơ và mấy tên “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” không bao giờ quên “om sòm củ tỏi” gõ, đập, đánh, hét “ò e Rô Be đánh đu, Tặc Giăng nhảy dù, Zo Rô bắn súng…”.
Hôm thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt vào giờ Toán của Cô Vũ Thị Bột, anh bạn Nguyễn Văn Vạn tìm không ra tờ giấy manh làm bài, lúng túng, hoảng hốt la to “ai “múm” tờ giấy ca rô tôi rồi, đưa đây”. “Cái gì, cái gì. Múm, múm cái gì”, nghĩ là Vạn vô kỷ luật, cô Bột giận run, la to. Tới bàn, cô mạnh tay ghi vào sổ điểm 2 con số Zéro cho Vạn một cách oan uổng. Đời có những chuyện tréo cẳng ngỗng là thường. Những năm nầy cũng phải “kể công” Thầy Hiệu Trưởng Lê Tá đã lấn sân vận động mà xây thêm một dãy lớp học mới nằm sau lưng dãy lầu mặt tiền. Lớp Đệ Nhị C đầu tiên của của trường năm đó 1961, vào một ngày Mùa Thu có tổ chức một buổi trần thuyết đề tài Hàn Mặc Tử nơi Phòng Thí Nghiệm mới xây. Một người anh em bạn ngâm bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! sao hay đến như vậy mà nhớ đến bây giờ: “…Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang, nơi đã khóc, đã yêu thương da diết. Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết! Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi. Ta đến nơi, Nường ấy vắng lâu rồi. Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ…”.
Tháng 10 năm 1970, len lén chính quyền địa phương tổ chức buổi dạ vũ, tôi đường đột tới Ty Ngân Khố Phan Thiết mời Hằng tham dự. Chắc Hằng chẳng nhớ, chẳng nhận ra tôi là ai khi không tới đây mà mời mà mọc. Cô bạn học ngày xưa “ngoay ngoảy” từ chối là đương nhiên. Năm Đệ Nhị, những Nguyễn Văn Cương, Vương Thế Hào, Phạm Ngọc Phi, Nguyễn Sĩ Chiêu thường làm sôi nổi giờ học. Thầy Hào dạy Cổ Văn, Cô Hoa dạy Công Dân Giáo Dục, Thầy Đạo, Tô Hữu Đạo dạy Anh Văn thường là mục tiêu đánh phá của các chàng sĩ tử nầy. Nguyễn Sĩ Chiêu vào Tham Sự Hành Chánh lên cao nguyên, chúng tôi gặp nhau trên Thị xã Gia Nghĩa, Quảng Đức. Cũng phải nhắc đến hai tên: một Nguyễn Văn Sơn và một Nguyễn Văn Hùng. Sơn thiếu cái răng cửa hàm trên nên bạn bè cả nam lẫn nữ cứ gọi là Sơn Sún.
Những năm Đệ Tứ, Đệ
Tam, Đệ Nhị… mình lớn rồi, mới thấy học ở Phan Bội Châu “đã” thiệt. “Đã”
là đã đời những ngày tháng Bấc, gió lồng lộng thổi vù vù, bốc cát Mũi
Né thốc vào mặt làm mình ráng đạp xe đạp mà xe cũng không muốn đi nổi
lên dốc Cầu Quan và bét cả mắt, rát cả mặt! “Đã” là đã đời ngồi nơi Quán
Bà Chương nhìn “các em” áo dài trắng, quần dài trắng hoặc đi bộ hoặc đi
xe đạp nhỡn nhơ trước mắt những thằng “đa tình tự cổ không dư hận, thử
hận miên miên vô tuyệt kỳ” thì không gì thú vị cho bằng. Mấy ổng cứ “gió
lên…lạy giời gió nữa lên”.Cuối năm Đệ Nhị, ai ai cũng lo học thi để có
Tú Tài I. Không có Tú Tài I, những anh chàng con trai sợ nhứt là đi Đồng
Đế và lo nhứt là người ta “đưa em sang sông”. Chúng tôi, đứa nào đứa
nấy lo học ngày học đêm, thường uống cà phê đen thật đậm cho tỉnh ngủ và
uống thuốc Midol cho bớt đau đầu. Có anh chàng Chiêu người Mũi Né vào
Phan Thiết học, thường bảo tôi “hãy uống Cervotonic” để giúp trí nhớ.
Tôi cũng nghe theo mua mà uống, nhưng thấy có giúp với không giúp gì đâu
cái đầu cứ tối mò mò. Tên Lân ở đường Ngư Ông, Cồn Chà gần Vạn Thủy Tú
gặp bạn trai hay bạn gái nào cũng nói “Cầu Cơ” để lấy bài thi “trúng
phóc”. Một số chúng tôi rủ nhau tụm năm, tụm ba học bài thi hoặc ở hai
Vườn Bông Cộng Hòa và Vườn Bông Phan Thiết nằm bên nay và bên kia dốc
Cầu Quan hoặc ở Đài Chiến Sĩ mới làm, sát bờ sông hay Vườn Bông Bình
Thuận gần Ga Xe Lửa Mương Mán. Thật tình, học thì ít mà chọc người ta đi
đường hay phá với nhau là nhiều. May, trời không ghét mấy thằng thiên
lôi, cho đậu cũng không đến nỗi nào.
Tôi học Lớp Đệ Nhị C
thì đậu hay rớt năm đó cũng phải xa trường. Rớt, trường không mở Lớp Đệ
Nhị C nữa mà ở lại. Đậu, trường không có Lớp Đệ Nhất C mà học. Năm nầy
1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, thầy trò Người Bắc Di Cư
theo Đạo Thiên Chúa phải e dè, tránh né những lời nói xúc xiểm của những
người bạn mới ngày hôm qua nay theo Cách mạng 1-11 có thể “băm thay”
mình. Thầy Vĩnh Giên, người hô hào thầy, cô, học trò Trường Phan Bội
Châu và ngay cả các trường Trung Học trong Thị Xã Phan Thiết “đi biểu
tình” để ủng hộ Cách Mạng. “Ủng hộ Cách Mạng” không thấy, chỉ thấy đập,
phá, gây hoảng loạn. Những người bạn Lũy, Điệp ở Văn Lâm; Thanh Sơn, Tài
ở Thanh Hải đến trường “coi chừng tụi nó bề hội đồng” cũng tại là người
theo Đạo Thiên Chúa và Bắc Di Cư. Năm 1974, tôi gặp Thanh Sơn là Đại Úy
Đại Đội Trưởng, đóng quân ở Núi Tà Dôn và Điệp là Đại Úy của Phòng 3
Tiểu Khu Bình Thuận. Thanh Sơn tới nhà tôi chơi hoài là Sĩ Quan Không
Quân, không biết tại làm sao lại qua Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình
Thuận? Tôi, Lê Vinh, Nguyễn Sĩ Chiêu những ngày đó thường tới thăm Thầy
Đạo, Thầy Biền đang như muốn trốn ở nhà. Viết đến đây, tôi nhớ Thầy Tô
Hữu Đạo rất nhiều. Nhớ thầy dạy Anh Văn rất nhiệt tình và hiền hòa như
Bụt mà thầy là một con chiên ngoan đạo. Thầy đã viết thư tới Thầy Trần
Văn Lương đang dạy Anh Văn ở Trường Trung Học Chu Văn An Sài Gòn xin cho
tôi vào học ở đó năm Đệ Nhất C Niên Khóa 1965-1966. Hồi đó, tôi có tới
nhà thầy một lần ở Đường Chi Lăng, Gia Định. Thầy bây giờ chắc già lắm,
không biết đang ở đâu? Mong thầy khỏe mạnh, an lạc…
Nguyễn Thừa Bình
No comments:
Post a Comment