Nếu còn ở với chúng ta, Tháng Mười Một vừa qua, Phạm Đình Chương đã 85 tuổi.
Ông
mất vào một ngày Tháng Tám, năm 1991. Gia đình và bè bạn ghi nhớ rằng
ông thọ có 62 tuổi, nhưng văn học nghệ thuật có lẽ phải nhìn ra một tuổi
thọ khác của Phạm Đình Chương, qua mấy trăm ca khúc về tuổi thanh xuân,
tình yêu và quê hương.
Hãy nói về tiếng hát, vì ngày nay nhiều người đã có thể quên hoặc không biết.
Hoài
Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt
trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng
hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc.
Nhưng có lẽ Phạm Đình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của
ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm
tuyệt vời.
Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ
rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và
tiếng nhạc Phạm Đình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội
quên, thật đáng tiếc cho thính giả.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991)
Phạm
Đình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ rất trẻ,
giữa thập niên 1940, với các ca khúc đã hòa vào dòng nhạc hào hùng thời
đó, như “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Hò Leo Núi”,
“Tiếng Dân Chài” hay “Trăng Rừng”. Nếu có một đặc điểm thì từ thời đó,
khi chưa đến tuổi đôi mươi, Phạm Đình Chương đã viết về tuổi trẻ cho
tuổi trẻ mà không bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử. Nhờ đấy,
nhạc tuổi xanh của ông cứ mơn mởn hạnh phúc và lấp lánh niềm tin trước
mặt.
Vào Nam rất sớm, từ 1951, ông mở ra một trang mới cho dòng
nhạc hoài hương với “Xuân Tha Hương”, bài ca dùng trong một cuốn phim
Hoa Kỳ thực hiện ở Sài Gòn giữa thập niên 1950. Tuyệt vời nhất trong
dòng nhạc quê hương, Phạm Đình Chương có trường ca “Hội Trùng Dương”,
dạt dào niềm hội ngộ của ba dòng sông từ ba miền đất nước. Mà nói về Mùa
Xuân và dân tộc, còn gì đẹp hơn khúc hoan ca “Ly Rượu Mừng”, ca khúc
không thể thiếu trong dịp Tết?
Quê ngoại Phạm Đình Chương là Sơn
Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người
Sơn Tây” được ông đưa lên đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành
ca khúc “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, có lẽ là ca khúc quen thuộc nhất của
ông ở miền Nam trước đây. Người trình bày tác phẩm này với nét trượng
phu bi hùng nhất lại chính là Hoài Bắc, những khi ấy, đôi mắt ông còn
long lanh hơn ly rượu trong tay!
Nhớ lại Phạm Đình Chương và
những chuyến lưu diễn cùng ông ở nhiều nơi sau 1975, Quỳnh Giao nghĩ
rằng từ đầu và mãi mãi về sau, Phạm Đình Chương không đi theo đám đông
mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần
chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Đình
Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.
Ngoài
Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ
với Phạm Đình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi
trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm
Phạm Đình Chương. Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không
gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí
thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?
Nhưng,
bản tình ca tuyệt diệu nhất của Phạm Đình Chương “Nửa Hồn Thương Đau”
ông đã viết nhạc và phần lớn lời ca với một chút ý từ bài thơ Lệ Đá Xanh
của Thanh Tâm Tuyền, trong một phút xuất thần. Ông nhận lời Quốc Phong -
chủ tịch Liên Ảnh Công Ty & nhà văn Văn Quang sẽ soạn một ca khúc
riêng cho phim “Chân Trời Tím” nhưng bạn bè làm ông quên bẵng, cho tới
khi men rượu lay ông tỉnh vào đêm cuối cùng trước kỳ hạn với bạn!
Đấy là phút giây kỳ diệu của sáng tác.
Sau
khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Đình Chương tiếp tục ôm đàn và viết nhạc. U
uẩn hơn, ray rứt hơn. Nếu bài “Xuân Tha Hương” được viết tại Sài Gòn mà
làm ta nhớ Hà Nội thì gần 40 năm sau, tại hải ngoại, Phạm Đình Chương
lại viết một khúc bi ca nữa về quê hương. Lần này, bài ca làm ta nhớ Sài
Gòn. Phổ thơ Du Tử Lê, bài “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” có thể là một nhắc
nhở nồng nàn nhất về Phạm Đình Chương, trong những năm cuối đời.
Nhân ngày giỗ của ông trong Tháng Tám này, hãy bùi ngùi tìm lại ca khúc Phạm Đình Chương. Để nhớ ông, và quê hương.
Quỳnh Giao (23.8.2005)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%B3nh_Giao_(ca_s%C4%A9)
No comments:
Post a Comment