Cậu của em tôi, người Bắc kêu là "bác", nhưng người Trung kêu là cậu,
tức anh của mẹ.Trong khi chữ "cậu" của người Bắc lại là vai em. Nhà cậu
luôn luôn có một đám cháu ở với cậu để đi học đệ nhứt, đệ nhị cấp và
đại học. Trong đó có em.
Khi gặp em, tôi đã trong quân đội, nên gặp
cậu không được nhiều, chỉ 4, 5 lần gì đó. Cậu cười tươi, giọng Huế trầm
ấm chậm rãi. Thêm dáng đậm thấp và khuôn mặt hiền hoà của cậu, đã làm
tôi nghĩ tới tổng thống Ngô Dình Diệm. Lúc đó mợ vừa mất vài tháng, cậu
vẫn ở ngôi nhà cậu nói là đầy kỷ niệm đó, và nuôi thêm mấy người cháu,
vai anh của em tôi.
Ngày mất nước, cậu bị họ tới nhà bắt đi, dù cậu
đã nghỉ hưu mấy năm trước. Lý do họ bắt là vì cậu đã làm tỉnh trưởng
tỉnh Phan Thiết trong thời tổng thống Ngô Đình Diệm.
Lúc họ bắt cậu
cũng như đưa cậu đi đâu? Anh Cang, con trai cả của cậu cũng như mấy
người cháu hoàn toàn không biết. Đó là chính sách cai trị rất tàn ác của
họ, ba của tôi đã giải ngũ mấy năm trước 75 nhưng cũng bị họ tới nhà ở
Vũng Tàu bắt đi.
Qua tới năm 78 khi một dân biểu Thượng viện Quốc
hội ở cùng chỗ với cậu, được thả về tới nhà báo tin. Ông anh và gia đình
của em mới biết và nhớ ngày mất của cậu. Đó là ngày 27 tháng 10 năm 76.
Cậu mất sau ngày kỷ niệm Quốc Khánh hàng năm của nền đệ nhất Cộng Hoà
chỉ có một ngày. Anh Cang muốn làm bàn thờ cho cậu nhưng trong nhà không
còn một chiếc bàn, chiếc ghế nào. Sau khi cậu bị bắt, bọn bộ đội vào
đóng ngay trong nhà, và chúng khuân dần dần đồ đạc trong nhà đi cho tới
khi anh chỉ còn chiếc giường một để nằm. Anh cũng chẳng dám phản ứng gì,
trong nhà chỉ có một mình anh, để trấn áp hầu có thể lấy đồ đạc trong
nhà, bọn chúng luôn luôn hăm doạ cho anh đi cải tạo.
Bàn thờ của cậu chỉ có tấm hình và chén ăn cơm cắm nhang, cậu được nằm kề con trai trên nền gạch.
Vị dân biểu đó không ở cùng trại với cậu tôi. Ông ở một trại khác,
nhưng biết ngày cậu mất qua tin tức của những người thân trong gia đình,
ông còn cho biết là cậu chết vì bệnh suyễn, và vì trời lạnh nhưng không
có đồ mặc cho đủ ấm. Chế độ Cộng sản bưng bít tất cả, những tin tức về
thân nhân trong trại tù chỉ do truyền miệng. Ngay cả tôi ngày bị bệnh
nặng trong tù lúc ở Katum, nếu lúc đó có chết cũng chẳng ai biết. Cho
nên gia đình em cũng như bà con dòng họ chỉ biết cậu đã mất, nhưng chẳng
biết đâu mà kiếm. Mà cho dù có đi hỏi tại những cơ quan chính quyền
chăng nữa, cái nhìn của họ và cách đối xử với những thân nhân người tù
cải tạo chẳng tốt hơn đối với phạm nhân là mấy. Đối với họ, dân miền Nam
"là tàn dư của Mỹ Nguỵ, không bắt nhốt hết tụi mày là dễ dãi lắm rồi".
Ngày đó tôi cũng đang ở trại tù Cộng Sản. Nhưng khi về nghe kể lại, tôi
vẫn cảm thấy nỗi đau khổ thương nhớ cậu đối với má của em, trong gia
đình em to lớn đến chừng nào. Má mất đi người anh ruột, còn cậu đối với
em tôi ơn nghĩa lo lắng yêu thương còn hơn một người cha. Anh Cang đau
buồn vì thương nhớ cha mình bị chết thảm thương vùi dập ở một xó rừng
nào đó ngoài Bắc nên sinh bệnh và mất sau đó mấy năm. Anh chết quá trẻ
lúc 37 tuổi.
Vào thời đó, thời buổi vô cùng khắc nghiệt độc ác,
đầy ngăn sông cấm chợ năm 78, không dễ gì đi lại một cách dễ dàng hầu
bốc mộ cậu, những năm đó cơm không có ăn, áo không có mặc trên toàn miền
Nam. Em tôi lúc ấy đi dậy học với một túi khoai khô ở vùng kinh tế mới,
con trai mới hai tuổi dễ thương như thiên thần của tôi qua đời chỉ vì
một căn bệnh rất tầm thường. May mà con gái đầu lòng của tôi còn sống
được trong đói nghèo thiếu thốn. Và tuy rằng mới 5 tuổi vào năm 78, cơm
không có ăn, con cũng vẫn lang thang trên những đồi trà của Bảo Lộc để
kiếm trà nụ gởi vào trong tù cho bố.
Một ngày đi làm cỏ đắp con
đường đất quanh trại ở Katum phải cố không khỏi thở dài, khi có mấy
người phụ nữ hỏi chúng tôi có dư đồ tù binh không thì bán họ mua. Tôi
nói với họ, chúng tôi chỉ được phát 2 bộ đồ tù hồi đó đến giờ, mà đồ của
chúng tôi có sọc đỏ xám làm sao các chị mặc được? Người phụ nữ đó, tôi
nghĩ chỉ lớn hơn tôi dăm tuổi khóc oà và nói " nhuộm đi rồi mặc anh ơi,
còn hơn không có đủ quần áo mặc".
Chúng tôi nói với nhau, tụi mình là tù, còn họ là tội. Sao mà khổ quá vậy không biết.
Hôm sau tôi cuộn một chiếc áo tù nhét trong người lúc đi làm. Lén
thẩy được cho chị đó. Lần thứ 2 thẩy cái quần. Dù sao tôi cũng có mấy
cái quần và áo may bằng vải bao cát, rất bền. Tù thì cũng chẳng cần mặc
chi nhiều.
Lúc ấy năm 78 nhà không có tiền để lo đi tìm kiếm cậu,
hơn nữa ông dân biểu bạn của cậu chỉ biết là cậu mất ngày đó, và địa
điểm rất mơ hồ. Có biết chỗ cũng không xác định vị trí cho người nhà
được. Mà có biết cũng không thể xin được giấy đi đường. Nên cũng đành
để mọi chuyện ở đó rồi tính.
Cho đến một ngày của năm 95, khi em tôi đi làm về, ngồi nghỉ mệt ở ghế sofa, mở TV coi.
Có một điều gì kỳ lạ không giải thích được, em không bao giờ ngồi coi
TV lúc vừa bước vào nhà sau khi đi làm về. Hôm đó lúc ngồi ở sofa tháo
giày, tự nhiên cầm remote mở TV. Ngay lúc ấy, em thấy một phụ nữ Việt
Nam, sau mới biết bà tên Nam Trân, đứng trên một nền cỏ chẳng có vẻ gì
là một ngôi mộ, nhưng lại có một miếng gỗ hình chữ nhật treo trên một
cây cọc nhỏ với hàng chữ "Lưu Bá Châm. Võ Di Nguy. Phú nhuận" Em sững
sờ không tin vào mắt mình. Bà Nam Trân nói rằng bà đang làm phóng sự tại
khu A1, trại Ba Sao, Nam Định. Nếu hôm đó em không mở TV, hoặc mở chậm 1
phút thôi, chắc gia đình sẽ không bao giờ biết ở đâu mà tìm cho ra cậu.
Phải chăng nơi thế giới bên kia, cậu đã xui khiến như vậy.
Em gọi
về Việt Nam cho má biết ngay sau đó. Nhưng xin đi cải táng thân nhân tại
một trại tù ngoài Bắc không phải là chuyện dễ dàng. Đơn từ phải được
chấp thuận từ ấp, xã, quận, tỉnh, lên tới uỷ ban thành phố. Họ chuyển hồ
sơ ra ngoài Bắc, sau một thời gian xét duyệt rất lâu. Má vợ tôi, người
đứng đơn xin và uỷ quyền cho người nhà, tức là cô em Diệu, mới cầm được
tờ giấy chấp thuận cho đi cải táng cậu. Đó là năm 99, bốn năm trời dài
đăng đẳng chờ đợi một tờ giấy ra ơn.
Thế rồi cô em hiền lành, gầy gò
mình hạc xương mai của em tôi, một mình thân gái dặm trường, từ Bảo Lộc
đi xe đò ra Phan Rang, mua vé xe lửa ở ga Tháp Chàm, đi ra Hà Nội, sau
đó lần mò ra Nam Định, cũng may mắn gặp một ông già chạy xe ôm nhận chở
em đi đến trại Ba Sao, ông rất tốt, và giúp đỡ em rất nhiều trên đường
đi. Và cả trong lúc bốc mộ cậu sau này.
Mặc dầu có giấy cho cải
táng, nhưng cán bộ trong trại không cho vào, mà nói em ra ngoài Hà Nội
chờ, 4 ngày sau mới được vào. Em Diệu đâu biết rằng đó là một cách để
đòi thủ tục "đầu tiên" của họ, nhưng em không hiểu, nên ra nằm ngoài Hà
Nội đợi, hết 4 ngày mới lễ mễ đến. Cùng đi với em là mấy người dân ở
một làng nhỏ gần trại mà em đã thuê họ với giá là 300.000 đồng để đi cải
táng. Nhưng trong trại không đồng ý, nói phải để cho những người tù
trong trại đào, em phải trả công cho họ là 2 triệu. Lúc trên đường ra
nơi chôn cậu, mấy người tù kêu ca là họ bị buộc phải đi làm, không ai
được đồng nào. Thế là em lại phải trả cho mấy người tù đó 1 triệu nữa.
Năm 99, trong trại lúc ấy không còn tù của Việt Nam Cộng Hoà, chỉ giam
giữ tù hình sự lãnh án vài chục năm, và chung thân.
Lúc đến địa
điểm được cho là nơi chôn cậu cũng không phải dễ dàng. Đi qua một ngọn
đồi trọc cỏ thưa thớt, tới một sườn đồi dốc, chỉ có vài cục đá đánh dấu
sơ sài mộ của cậu, và cũng khá xa trại tù. Đào xuống rất sâu gần hai
thước rồi vẫn chưa thấy dấu tích gì. Lúc đó đã 2,3 giờ chiều, ban quản
giáo đòi bỏ về trại vì họ nói rằng đã tìm ra chỗ chôn nên không cần ở đó
nữa. Mấy người tù cũng muốn bỏ về, vì cho rằng đào hoài không thấy thì
chắc mộ bị thất lạc. Có một người công an nói" thôi kiếm không thấy thì
cô bốc một nắm đất về thờ đi". Diệu không đồng ý, em nói ra tới đây rồi
cầm một nắm đất về thì tôi không cam lòng. Vì như thông lệ, những người
tù nhân chết tại đây được chôn lấp rất sơ sài, thường chỉ sâu chừng nửa
thước dưới mặt đất thôi. Xui khiến tự nhiên có một người tù nói nơi đây
sau bao nhiêu năm qua, chắc mưa gió trên triền đồi dốc làm đất bị chài
xuống nên dày hơn, ráng đào thêm chút nữa xem sao. Diệu cũng năn nỉ hết
nước mắt, nói với họ đi từ miền Nam ra tới đây không được gì hết thì tội
nghiệp cho cậu tôi quá. Mấy anh cứ ráng đào thêm chút nữa tôi sẽ đưa
thêm tiền. Quả nhiên sau một hồi đào bới, họ đào trúng nắp áo quan. Sau
hai chục năm, tuy gỗ rã mục khá nhiều, chắc nhờ không khí nơi đó lạnh và
khô nên không bị mối, xương cốt của cậu vẫn còn đầy đủ, và Diệu nhận ra
đúng là cậu vì đôi vớ màu tím, cậu mua lúc đi công tác bên Pháp mà lúc
còn sống Diệu rất quen thuộc vì thường giặt đồ cho cậu, đôi vớ vẫn còn
nguyên tình trạng tốt, một người tù xin đôi vớ đó để được may mắn. Em
còn nhận ra thêm hai chiếc răng bịt bạc nơi xương hàm, và chiếc nhẫn bạc
nơi ngón tay. Chiếc nhẫn này cũng bị một người tù xin luôn. Khi chết
cậu chỉ có chiếc quần đùi và áo thun, lúc đó đã mủn nhưng vẫn dễ dàng
nhìn ra. Ngoài Bắc trời mùa Đông rất lạnh. Chắc bạn bè của cậu giữ lại
quần áo để dùng vì trong tù rất thiếu thốn.
Bọn cai tù bảo em ký
vào tờ giấy đã nhận cốt và bỏ về trại . Em ở đó với ông xe ôm và đám tù,
nghe nói có mấy người đang lãnh án chung thân
Diệu có mang theo 5 lít rượu để rửa xương, nhưng đất cát dính theo quá nhiều, năm lít rượu cũng không đủ rửa chừng đó xương
nên em nhặt từng ống tay, ống chân, cả những mảnh vụn của ngón tay phủi
sạch đất cát bỏ vào giỏ. Bình rượu đó em biếu cho ông xe ôm.
Lúc
trở lại trại thì bọn chỉ huy trại không cho đi ngang qua trại để ra
cổng, mà bắt em Diệu đi vòng phía sau trại để ra cổng trước. Em phải vác
cái giỏ đựng xương cốt rất nặng so với một người đàn bà mảnh khảnh gầy
yếu như em. Hình như bọn họ không bỏ qua một cơ hội nào để hành hạ những
người miền Nam mà họ cho rằng đó là "bám chân đế quốc Mỹ, là tàn dư Mỹ
Nguỵ". Nhưng bây giờ, đám lãnh đạo qua Mỹ mua nhà trả tiền mặt những
ngôi nhà hàng triệu dollars trong nước Mỹ nhiều nhất là ở California.
Con cháu của họ qua Mỹ ở, hoặc du học nườm nượp. Trong khi hai triệu
người dân miền Bắc đã hy sinh cho một cuộc chiến kéo dài 30 năm để đánh
đuổi "đế quốc Mỹ". Như vậy họ chết cho cái gì?
Em Diệu long đong
khổ cực từ miền Nam ra kiếm xương cốt người cậu, mà những người đại diện
cho cái chế độ đó đối xử lạnh lẽo không có một chút nào tình người, mà
còn có vẻ như hành hạ cho bõ ghét, trong khi em chỉ là một người phụ nữ
bình thường, nhưng lại có tội lớn là có một người cậu làm trong chính
quyền Việt Nam Cộng Hoà. Chiếc nhẫn bạc nơi tay cậu, chẳng có giá trị
tiền bạc là bao nhiêu, đó là một di vật của người chết, nhưng người tù
kia xin cho bằng được, không cần biết tới sự quan trọng của nó đối với
gia đình người quá cố. Hình như những người miền Bắc sống trong chế độ
Cộng Sản đều trở thành những hình nhân độc ác không tim óc, trơ lì chai
đá trước những đau khổ của đồng loại.
Giỏ đựng xương của cậu rất
nặng. Em ì ạch vác vòng qua hai ngọn đồi. Nhiều khuỷu xương cấn vào hông
em đau nhói. Em nói "cậu ơi, cậu mà thúc vào hông con hoài, đau quá,
con không đem cậu về Nam đâu". Vậy mà sau đó em nghe nhẹ hẳn, và cũng
không thấy bị thúc vào hông như trước. Chết chỉ là thể xác, còn linh hồn
là một sự linh thiêng mà chúng ta không bao giờ có thể hiểu tới được.
Ông xe ôm chở Diệu về đên nghĩa trang Văn Điển, Hà Đông lúc 8 giờ tối.
Nơi đó có một đài thiêu xác tên "Hoá thân hoàn vũ", nhưng vì trời đã quá
tối không còn ai, ông ta mặc dầu rất tốt nhưng cũng không dám cho em tá
túc ở nhà ông ta. Có mấy ai dám để người lạ với một giỏ xương người
chết trong nhà. Họ cũng sợ chứ. Ông xe ôm đề nghị để giỏ cốt nơi nào đó
rồi về nhà ông ngủ, em lại sợ lỡ có người nào tưởng cái giỏ đựng gì đó
quý giá nên xách đi, rồi thấy là xương cốt người nên ném bỏ đâu đó, em
biết đâu mà kiếm. Em quyết định với ông xe ôm, thôi bác cứ về nhà nghỉ
ngơi đi, cháu sẽ để xương của cậu trong đài thiêu xác, rồi kiếm chỗ nào
khuất chui đỡ vô ngủ cũng được.
Dùng dằng mãi, vì ông xe ôm cũng
không nỡ để em một thân một mình ở đài thiêu xác trong nghĩa trang như
vậy. Nghĩa trang có ma là chuyện đương nhiên nhưng không phải lúc nào
cũng nhát người, những con ma sống mới đáng sợ.
Đứng bàn bạc mãi
trong nghĩa trang, không thể quyết định được là đi hay ở, đột nhiên có
một người đàn ông chạy xe tới, đó là người làm việc trong đài thiêu xác,
ông vì bỏ quên đồ trong đó nên quay trở lại lấy. Ông ký nhận giỏ xương
của cậu và hẹn ngày mốt tới nhận tro.
Mọi chuyện tới đây êm xuôi, em
ở trọ nơi nhà ông xe ôm cho đến khi nhận được tro của cậu, em bỏ vào
một cái hũ sành nhỏ, mua một cái ba lô và em cõng cậu về Tuy Hoà, giao
cho con gái cả của cậu, tức là chị Lệ.
Em Diệu của tôi ngày ấy đã
trải qua một chuyến đi vô cùng cực nhọc với những đau khổ mệt mỏi vượt
quá sự chịu đựng của một người con gái trẻ. Nhưng nhìn chung về những gì
đã diễn biến, tôi thấy có những điều rất kỳ lạ, nó chứng tỏ cho chúng
ta thấy linh hồn con người ta không tan biến đi, vẫn hiện diện đâu đó
quanh chúng ta. Nếu như ngày ấy em tôi không mở TV lên coi, nếu trong
mấy người tù không nói cố gắng đào vì đất bị chài xuống, nếu như ông coi
đài thiêu xác không quay trở lại vì quên đồ thì không biết đêm đó, Diệu
sẽ gặp những chuyện gì nữa.
Có phải linh hồn của cậu tôi đã xui khiến mọi chuyện không? tôi tin là có.
Và tôi tin là cậu đã theo phù hộ cho em. Trước kia em chỉ có vườn trà
nhỏ, làm trà bán cũng chỉ ở mức vừa phải, không nghèo nhưng chẳng phải
là giàu.
Bây giờ em có đủ hết. Trong mọi chuyện làm ăn buôn bán.
Em đã rất thành công. Theo cách nói phổ biến, em có người khuất mặt, tức
là cậu, theo phù hộ.
Tôi vẫn không hiểu được. Một người tài đức
như ông Diệm lại chết một cách thảm khốc. Và cậu, cha mẹ mất sớm, một
mình lo cho bao nhiêu người em, lo dựng vợ gả chồng từng người, sau đó
lo ăn học cho rất nhiều người cháu, trong đó có em tôi. Lúc làm tỉnh
trưởng Phan Thiết, đã làm bao nhiêu chuyện ích quốc lợi dân. Không nhận
một đồng nào hối lộ, trong khi luôn có những người ôm cả hộp vàng đến
nhà gặp mợ hầu đạt được mục đích cho họ. Qua thời đệ nhị Cộng Hoà khi
cậu phải bàn giao chức vụ cho tỉnh trưởng quân sự. Cậu còn giữ cả triệu
đồng(năm 63) trong quỹ riêng của tỉnh trưởng, lúc đó cậu mang theo cũng
không ai biết, nhưng cậu đã giao hết số tiền đó cho người kế vị. Cậu về
làm thứ trưởng bộ Thông Tin Chiêu Hồi, ở nhà thuê tại đường Nguyễn Thiện
Thuật, sống nghèo một thời gian rất dài mới có đủ tiền mua căn nhà nhỏ ở
trong hẻm đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Cậu thường dạy những người xung
quanh trong đó có má của em "sống phải hiền lành đức độ, tu nhân tích
đức mới có phúc để lại cho con cái". Tôi không khoa trương những gì về
cậu, vì bây giờ vẫn còn rất nhiều người, và cả bà con họ hàng còn sống ở
Phan Thiết minh chứng cho những gì tôi viết. Tôi chỉ muốn nói lên một
điều, phải chăng đôi khi Thượng Đế đã không công bằng. Hay là nước ta đã
đến hồi mạt vận, cho nên cậu đã chết lạnh lẽo cô độc nơi xó rừng, chết
đau khổ xa người thân như vô số nhân tài khác của miền Nam. Trong khi
đó, những kẻ độc ác bất nhân, giam cầm và giết chết hàng trăm ngàn
người, thì bọn chúng lại sống thọ, có người trên cả trăm tuổi, lúc chết
có hàng vạn người tung hô đưa tiễn, thương mến khóc lóc. Hay là thời đại
này ma quỷ đã lên ngôi?
Giờ cậu đã đoàn tụ với mợ. Mợ mất hồi
năm 72 chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, tới năm 78 bọn cầm quyền bắt cải
táng để làm công viên mang tên một người không có thật, má em phải hốt
cốt mang về Tuy Hoà, nơi chị Lệ, con cả của cậu ở đó.
Anh Cang sau khi chết được chị Lệ mang về Tuy Hoà. Chị Lệ cũng đã mất. Dòng dõi của cậu giờ không còn ai.
Năm 2002 má vợ tôi mang tro cốt của cậu và mợ mang về chôn ở lầu Ông
Hoàng, Phan Thiết, cùng với 3 người con trước kia mất sớm nằm dưới chân
của cậu mợ.
Ngày đó cậu mới thật sự an nghỉ.
Nguyễn Khôi Việt
No comments:
Post a Comment